Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:33 (GMT +7)
Châu Á đẩy mạnh tiêm vaccine, Campuchia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19/ngày cao nhất
Thứ 4, 09/06/2021 | 11:21:44 [GMT +7] A A
Đến sáng 9/6, thế giới có trên 174,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,75 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,2 triệu ca mắc và hơn 613.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 7.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 8/6, nước này ghi nhận trên 91.200 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên trên 29 triệu trường hợp. Ngày 8/6, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt ngưỡng 350.000, lên tới 353.500 ca, sau khi ghi nhận thêm 2.212 trường hợp không qua khỏi trong 24 giờ qua.
Ấn Độ sẽ cung cấp vaccine COVID-19 miễn phí cho tất cả người trưởng thành từ cuối tháng 6 này. Thủ tướng Ấn Độ Modi nêu rõ, Chính phủ liên bang sẽ đảm trách nhiệm vụ tiêm chủng từ chính quyền các bang. Từ ngày 21/6, tất cả người trên 18 tuổi sẽ được tiêm chủng miễn phí. Theo chính sách trước đó, Chính phủ liên bang đã tiêm vaccine COVID-19 miễn phí cho người cao tuổi và nhân viên tuyến đầu, đồng thời để chính quyền các bang và những bệnh viện tư nhân quản lý số lượng vaccine COVID-19 phải trả phí dành cho người trong độ tuổi 18 - 45.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 51.300 ca mắc COVID-19. Đến nay, gần 476.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 17 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Các nước châu Á đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho người dân. Mục tiêu của các nước là tạo ra miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.
Từ ngày 8/6, các trường học tại Cộng hòa Czech đã bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm thấp. Quy định được áp dụng tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm dưới 25 ca/100.000 dân trong hơn 1 tuần. Theo đó, chỉ có 3 khu vực không đáp ứng là Zlin, Nam Bohemia và Liberec, tại các vùng này, quy định đeo khẩu trang được áp dụng như cũ. Đáng chú ý, quy định không đeo khẩu trang được áp dụng với cả giáo viên và học sinh nhưng chỉ trong khuôn viên lớp học. Còn trong giờ ra chơi, trong khuôn viên trường, các học sinh vẫn phải đeo khẩu trang.
Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy chương trình tiêm vaccine đại trà. Dự kiến, các trường đại học và doanh nghiệp sẽ tiến hành tiêm chủng tại chỗ cho cán bộ, sinh viên và người lao động từ ngày 21/6. Theo chương trình trên, các trường đại học và doanh nghiệp sẽ phải tự đảm bảo địa điểm và nhân viên y tế, trong khi chính quyền trung ương sẽ chia sẻ chi phí cho việc này. Hiện nhiều trung tâm tiêm chủng đã được dựng lên tại Tokyo, Osaka và nhiều tỉnh thành khác nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine.
Nhật Bản khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 2 vừa qua với các đối tượng là nhân viên y tế và những người trên 65 tuổi, đồng thời đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng cho người cao tuổi vào cuối tháng 7 tới. Hiện Nhật bản ghi nhận gần 763.900người nhiễm và hơn 13.600 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và từng bước mở cửa nền kinh tế, trong tuần này, Philippines sẽ mở đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 35 triệu người lao động làm việc ngoài nơi cư trú. Kế hoạch trên là giai đoạn tiếp theo của chiến dịch tiêm chủng được Philippines triển khai hồi tháng 3 năm nay, với các đối tượng ưu tiên được tiêm đầu tiên là các nhân viên chăm sóc y tế, người cao tuổi và có bệnh lý nền. Những người đủ điều kiện tiêm chủng trong giai đoạn mới này, bao gồm cả người lao động trong khu vực phi chính thức, sẽ có thể đăng ký tiêm chủng từ ngày 9/6 tới. Philippines, quốc gia có hơn 110 triệu dân, đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho gần 13 triệu người kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này hồi tháng 1/2020.
Bộ Y tế Philippines thông báo, nước này ghi nhận thêm 4.777 ca nhiễm, số ca mắc mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 25/5 vừa qua. Hiện tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này tăng lên hơn 1,28 triệu trường hợp. Trong 24 giờ qua, Philippines có thêm 95 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 22.064 người.
Từ ngày 8/6, Malaysia đã bắt đầu triển khai các đơn vị tiêm chủng lưu động ở thủ đô Kuala Lumpur. Các đơn vị tiêm chủng lưu động nhằm giúp tiếp cận các khu vực đông dân cư, những nơi người dân gặp khó khăn khi đến các trung tâm tiêm chủng lớn. Hiện mới có 2 đơn vị tiêm chủng lưu động được đưa vào hoạt động tại thủ đô Kuala Lumpur. Tuy nhiên, chính quyền nước này sẽ bổ sung thêm 39 đơn vị tương tự trong những tháng tới. Đến nay, Malaysia đã tiêm chủng cho khoảng 2,5 triệu người, khoảng gần 8% dân số đất nước. Malaysia hiện báo cáo trên 627.600 người nhiễm COVID-19, bao gồm hơn 3.500 ca tử vong.
Ngày 7/6, Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19. Để đáp ứng nhu cầu tiêm của người dân, Thái Lan đã thành lập thêm các điểm tiêm vaccine ngoài bệnh viện và có phương án phân bổ vaccine theo từng giai đoạn. Thái Lan đặt mục tiêu trong tháng này sẽ tiêm được khoảng 6 triệu liều vaccine và đến hết tháng 9 sẽ hoàn thành tiêm mũi thứ nhất cho những người đã đăng ký. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm đại trà, Chính phủ Thái Lan sẽ phân bổ nguồn vaccine theo tuần ưu tiên cho những tỉnh thành có nhiều ca mắc mới và địa điểm du lịch chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế. Sau khi có thêm vaccine, Thái Lan sẽ bổ sung cho các tỉnh thành để đảm bảo 70% dân số nước này được tiêm vaccine vào cuối năm nay.
Ngày 8/6, Thái Lan ghi nhận 2.662 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 182.548 trường hợp và 1.297 bệnh nhân không qua khỏi.
Mặc dù số ca mắc mới COVID-19 những ngày qua đã giảm nhưng các tỉnh của Lào có nguy cơ lây nhiễm cao vẫn tiếp tục thực hiện những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt. Tại thủ đô Vientiane, Ủy ban chuyên trách phòng chống dịch COVID-19 cho biết, các biện pháp kiểm soát sẽ tiếp tục được thực hiện ít nhất cho đến ngày 19/6. Mặc dù số ca mắc mới đang giảm, một số điểm ở thành phố vẫn ghi nhận các trường hợp lây nhiễm. Lực lượng chức năng ở thủ đô Vientiane sẽ tăng cường truy vết người có nguy cơ nhiễm virus và những người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Bộ Y tế Lào cho biết, ngày 8/6, số ca mắc mới tại nước này tiếp tục ở mức thấp với 2 ca lây nhiễm mới cộng đồng ở thủ đô Vientian được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.970 ca COVID-19, trong đó có 3 tử vong và 1.773 bệnh nhân đã hồi phục. Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân cả nước tuân thủ chặt chẽ quy định phòng chống dịch bệnh để có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 19/6 tới đây, giúp giảm tác động đối với nền kinh tế và đời sống của người dân. Người có nguy cơ lây nhiễm được khuyến cáo sớm đi xét nghiệm và tự cách ly để đảm bảo an toàn cho cá nhân cũng như người thân và cộng đồng.
Bộ Y tế Campuchia cho biết, ngày 8/6, nước này ghi nhận 12 ca tử vong do COVID-19, cao nhất kể từ khi xảy ra đại dịch, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 tại nước này lên 278 trường hợp. Trong những ngày gần đây, Campuchia liên tục ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày ở mức cao. Chỉ trong 1 tuần qua, nước này đã có 58 trường hợp tử vong, trong đó có một người gốc Việt ở tỉnh Prey Veng. Cùng ngày, Campuchia xác nhận 678 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên 35.511 trường hợp
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương ngoài thủ đô Phnom Penh. Tính đến ngày 8/6, Campuchia đã tiêm vaccine được gần 3 triệu người, tập trung chủ yếu tại Thủ đô Phnom Penh. Campuchia đang đẩy nhanh tiêm vaccine để đạt được khoảng 10 triệu người cuối năm 2021 này.
Ngày 8/6, Trung Quốc đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac cho trẻ từ 3 - 17 tuổi. Với quyết định này, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt việc sử dụng vaccine cho trẻ từ 3 tuổi. Hãng Sinovac đã xác nhận thông tin trên, nhưng không cho biết khi nào Trung Quốc sẽ triển khai việc tiêm vaccine cho trẻ. Sinovac đã hoàn tất quá trình thử nghiệm giai đoạn đầu đối với trẻ em và người lớn. Kết quả thử nghiệm đã được đăng trên tạp chí khoa học The Lancet.
Hiện Trung Quốc đã tiêm được hơn 777 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, mục tiêu là tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay. Tổng cộng 91.300 người đã mắc COVID-19 tại Trung Quốc, bao gồm 4.636 trường hợp thiệt mạng.
Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này đang đặt mục tiêu tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số vào quý III/2021. Hàn Quốc hiện đang tiêm chủng cho những người từ 60 - 64 tuổi và quân nhân có tuổi đời dưới 30. Từ tuần tới, Hàn Quốc sẽ tiêm chủng cho người lao động thiết yếu, những người cư trú, làm việc tại các cơ sở dễ bị tổn thương. Từ tháng 7/2021, những người ở độ tuổi 50 cũng sẽ có thể nhận được những mũi tiêm đầu tiên.
Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 14 triệu dân đến hết tháng 6 và đến tháng 9 có thể tiêm chủng cho 36 triệu người. Để nâng cao năng lực tiêm chủng, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thành lập thêm 16 trung tâm tiêm phòng trên toàn quốc.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()