Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 19:49 (GMT +7)
Cháy nhà ra... nhiều chuyện
Chủ nhật, 18/08/2013 | 07:32:26 [GMT +7] A A
Trong chuyên mục này (số ra ngày Chủ nhật, 4-8), có đăng bài “Nhanh như cứu hoả” đề cập một số vấn đề bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy lộ ra sau vụ hoả hoạn tại tiệm vàng trên đường 25-4 (TP Hạ Long) trước đó không lâu. Trong đó, chúng tôi có nhắc đến một vấn đề được nhiều tờ báo phản ảnh; ấy là vụ cháy có thể sẽ không để lại hậu quả quá nặng nề, thương tâm như đã xảy ra nếu như việc thiết kế ngôi nhà không “làm khó” cho công tác chữa cháy của lính cứu hoả, cũng như không “làm khó” trong việc cứu hộ, cứu nạn...
Sau khi bài báo đăng, một số bạn đọc đã gửi thư cho chúng tôi, đặt vấn đề: Vậy giả dụ cơ quan chức năng xác minh và kết luận chính thức rằng điều đó là đúng sự thực, thì người thiết kế và cơ quan thẩm định, phê duyệt thiết kế khi cho phép xây dựng công trình có bị “quy trách nhiệm” hay không?
Quả thật, đây là một câu hỏi không dễ trả lời! Bởi chúng ta đều biết, lâu nay việc thiết kế và thẩm định, phê duyệt thiết kế các công trình nhà ở trong khu đô thị hầu như rất ít quan tâm đến vấn đề này. Thiết kế ngôi nhà của tiệm vàng trên đường 25-4 (TP Hạ Long) mà chúng ta đang nói tới có những bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy chẳng qua cũng chỉ lộ ra khi có sự cố tai nạn, nếu không đã chẳng ai bàn đến... Vậy nếu “quy trách nhiệm” cho người thiết kế và cơ quan thẩm định, phê duyệt thiết kế thì có mà... loạn! Bởi trên thực tế, đây là tình trạng chung, đâu riêng một trường hợp cụ thể...
Nhân nói đến chuyện này lại nghĩ đến chuyện khác! Ở một trường học trên địa bàn TP Hạ Long (xin không nêu tên cụ thể), một lần nhà trường mời chuyên gia phòng cháy chữa cháy đến tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Khi giảng viên hỏi các học viên có ai biết sử dụng bình cứu hoả hay không, thì... 100% trả lời không biết! (Mặc dù rất nhiều người ở nhà cũng có đặt bình cứu hoả dọc cầu thang, nhưng “đã cháy bao giờ đâu mà biết sử dụng”...). Vậy giả dụ nếu hoả hoạn xẩy ra, thử hỏi hậu quả sẽ thế nào? Và liệu biết “quy trách nhiệm” cho ai được?
Lại nữa, một chuyện khác; tại khu phố nọ ở phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) có một gia đình làm nghề kinh doanh ăn uống (cũng xin không nêu đích danh). Vì cửa hàng kinh doanh chật chội nên gia đình đã dùng khoảng không gian hẹp giáp ranh với nhà liền kề để đặt bếp ga với bình ga to như... một quả bom tấn thời chiến tranh! Giả dụ nếu xảy ra sự cố cháy nổ, thử hỏi sẽ “quy trách nhiệm” thế nào đây? v.v.. và v.v..
Rõ ràng, từ một vụ cháy nhà đã lộ ra... nhiều chuyện. Chúng ta đều biết ở các khu đô thị hiện nay, các gia đình đều sử dụng rất nhiều thiết bị có nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, cũng lại do ở đô thị “tấc đất” là “tấc vàng”, nên khi thiết kế xây dựng, người ta luôn muốn tận dụng hết khả năng có thể cho mục đích sinh hoạt, mấy ai lại còn bận tâm đến “chuyện xa xôi”, như làm đường thoát hiểm phòng sự cố tai nạn chẳng hạn?
Và chỉ khi sự việc đã xẩy ra rồi, người ta mới “giật mình”… Nhưng nếu “giật mình” rồi bỏ qua thì còn nguy hiểm hơn! Không biết sau vụ hoả hoạn xảy ra ở tiệm vàng trên đường 25-4 tại TP Hạ Long vừa rồi, các cơ quan chức năng có nghiêm túc kiểm điểm, rút ra bài học kinh nghiệm gì hay không nhỉ?
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()