Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 01:43 (GMT +7)
Chỉ số văn hoá giao thông ở mức báo động
Thứ 3, 31/07/2012 | 04:34:17 [GMT +7] A A
[audio(1821)]
Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh), trong bản tham luận tại Hội thảo khoa học Văn hoá giao thông khu vực Đông Bắc, do Uỷ ban ATGT quốc gia phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam và Ban ATGT tỉnh tổ chức tại TP Hạ Long, mới đây, đã cho rằng: Quảng Ninh là một trong những địa phương có chỉ số về văn hoá giao thông nằm ở nhóm đáng báo động.
Bởi lẽ, tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ; xe máy chở 3, 4 người phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm; xe chở khách dừng đỗ tuỳ tiện, chạy nhanh tranh giành khách... còn diễn ra thường xuyên. Cùng với đó là các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh; người đi bộ leo trèo, chui qua hàng rào giải phân cách cũng là việc không hiếm. Rồi cả khi không may va quệt phương tiện trên đường cũng thiếu một lời “xin lỗi”. Đặc biệt, khi gặp người bị nạn trên đường, không những không giúp đưa họ đi cấp cứu, mà ác hơn còn lợi dụng để lấy cắp tài sản, tiền bạc của người bị nạn...
Chúng ta đều biết rằng, xây dựng văn hoá giao thông đã được các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương phát động từ năm 2009. Hưởng ứng chủ trương này, ngay sau đó các cấp, các ngành, đoàn thể của tỉnh cũng đã đề ra các chương trình, biện pháp, cách thức để tăng cường, nâng cao văn hoá giao thông trong cộng đồng, xã hội. Thế nhưng, đến nay nhìn lại thấy sự chuyển biến trong công tác này chưa được bao nhiêu. Những việc làm, hành vi thiếu văn hoá vẫn diễn ra khá phổ biến trong các đối tượng tham gia giao thông. Thái độ vô cảm trên đường vẫn thường xuyên bắt gặp.
Nguyên nhân của những hành vi vô văn hoá trong giao thông có nhiều, trong đó có cả những lý do mang tính lịch sử, như ảnh hưởng của thói quen, của văn hoá tiểu nông cách đây hàng chục năm. Nhưng đó chưa phải là cơ bản. Cái chính vẫn là do cái nền, phông văn hoá của nhiều người còn thấp. Lỗi này một phần là do việc giáo dục trong các gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị chưa thực sự được coi trọng. Phần khác do ý thức tự rèn luyện, điều chỉnh của mỗi người cũng còn hạn chế. Dẫn đến thiếu tự giác trong chấp hành các quy định của pháp luật, các chuẩn mực về đạo đức. Và một điều quan trọng đáng nói nữa, là các biện pháp xử lý, răn đe của cơ quan chức năng vẫn còn nhẹ, không kiên quyết, triệt để nên chưa có tác dụng giáo dục chung, thậm chí còn dẫn đến “nhờn thuốc” ở một số đối tượng...
Vì vậy, để văn hoá giao thông không còn ở mức báo động, thì nhiệm vụ chính hiện nay vẫn phải là hình thành một cách vững chắc ý thức tuân thủ pháp luật ở mỗi người, thông qua biện pháp tuyên truyền, giáo dục và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, coi thường văn hoá giao thông...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()