Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:33 (GMT +7)
Chi tiết ‘công thức hoà bình’ của Ukraine và phản ứng kịch liệt của Nga
Thứ 6, 30/12/2022 | 07:33:29 [GMT +7] A A
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra “công thức hòa bình” 10 điểm và tích cực thảo luận về kế hoạch này với Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều quan chức khác. Đồng thời, ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu dựa trên kế hoạch này.
Nội dung chi tiết “công thức hòa bình” 10 điểm
Ông Zelensky lần đầu công bố “công thức hòa bình” tại Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế chủ chốt của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 11 vừa qua. Nội dung chi tiết của kế hoạch này bao gồm:
Một là an toàn bức xạ và hạt nhân: Tập trung vào khôi phục an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhia ở miền Nam Ukraine, hiện do Nga kiểm soát.
Hai là an ninh lương thực: Bảo vệ và đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Ba là an ninh năng lượng: Tập trung kiểm soát giá của các nguồn năng lượng từ Nga, cũng như hỗ trợ Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng điện mà một nửa trong số đó đã bị hư hại do các cuộc tập kích của Nga.
Bốn là trả tự do cho tất cả tù nhân và người bị trục xuất, kể cả tù nhân chiến tranh và trẻ em bị trục xuất sang Nga.
Năm là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Nga phải tái khẳng định điều đó theo Hiến chương Liên hợp quốc, điều này “không phụ thuộc vào đàm phán.
Sáu là Nga rút quân, chấm dứt chiến sự và khôi phục biên giới của Ukraine với Nga.
Bảy là công lý: Lập một tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chiến tranh.
Tám là ngăn chặn huỷ diệt sinh thái và bảo vệ môi trường, tập trung rà phá bom mìn và khôi phục các cơ sở xử lý nước.
Chín là ngăn chặn leo thang xung đột và xây dựng cấu trúc an ninh trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương, bao gồm cả những đảm bảo cho Ukraine.
Mười là xác nhận chiến sự kết thúc, gồm văn bản có chữ ký của các bên tham gia.
Phản ứng của quốc tế
Vào tháng này, ông Zelensky đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 ủng hộ ý tưởng tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu, tập trung vào “công thức hòa bình” nói chung hoặc một số điểm cụ thể nói riêng.
Ông Zelensky cũng đang nỗ lực trình bày kế hoạch trên với nhà lãnh đạo của các nước bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - quốc gia vừa đảm nhận chức Chủ tịch G20.
Dù phương Tây đã viện trợ cho Quân đội Ukraine hàng tỷ USD, trong đó Washington là nhà viện trợ lớn nhất, nhưng họ phản ứng thận trọng hơn về kế hoạch hòa bình của ông Zelensky và hội nghị thượng đỉnh hòa bình do ông đề xuất.
Trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ukraine tới Washington vào hôm 22/12, ông Biden chỉ nói rằng ông có chung tầm nhìn về hòa bình và Mỹ cam kết hỗ trợ Ukraine phòng vệ.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G7 cho biết họ cam kết mang lại hòa bình cho Ukraine phù hợp với quyền được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói rằng cơ hội đàm phán hòa bình sắp tới là rất nhỏ. Ông Guterres cũng nói rằng ông sẵn sàng làm trung gian hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine, nhưng phải được sự chấp thuận của các bên.
“Tôi tin rằng cuộc đối đầu quân sự sẽ còn tiếp diễn, chúng ta vẫn phải đợi một thời gian nữa để có thể đàm phán nghiêm túc về hòa bình,” ông nói.
Nga phản đối kịch liệt
Trong bối cảnh Ukraine đang nỗ lực tận dụng mọi cơ hội để đưa bản đề xuất gồm 10 điểm này vào các chương trình nghị sự quốc tế, giới chức Nga đã liên tiếp phản đối đề xuất của Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/12 đã bác kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Zelensky. Ông nói rằng các đề xuất chấm dứt xung đột phải tính đến 4 khu vực Ukraine đã sáp nhập vào Nga. Theo Moskva, Kiev nên thừa nhận “thực tế mới”, trong đó có việc 4 vùng Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Lugansk, đã trở thành một phần lãnh thổ của Nga.
Trong diễn biến mới nhất, phát biểu với hãng thông tấn RIA ngày 29/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Nga sẽ không tham dự cùng với Ukraine trong việc thực hiện công thức hòa bình do Tổng thống Zelensky đề xuất vì các điều khoản này không thể chấp nhận được. Ông cũng cho rằng Kiev vẫn chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình thực sự.
Ông Lavrov tuyên bố hy vọng của Kiev trong việc đẩy Nga ra khỏi miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea với sự giúp đỡ của phương Tây là “ảo tưởng”. Bình luận trên là bằng chứng mới nhất cho thấy cánh cửa đàm phán giữa Moskva và Kiev vẫn còn hẹp.
Tuy nhiên, ông Lavrov nói rằng Moskva không từ chối giải quyết xung đột thông qua đàm phán. Ông nói: “Ngay sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Zelensky đã đề xuất ngồi vào bàn đàm phán. Chúng tôi đã không từ chối và đồng ý tổ chức một cuộc gặp với các đại diện của ông ấy”. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán cho thấy việc tìm kiếm thỏa hiệp không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Tuy nhiên, ông Lavrov nói tiến trình ngoại giao được khởi động vào tháng 2 đã cho thấy Tổng thống Zelensky hoàn toàn thiếu độc lập trong việc đưa ra các quyết định quan trọng. Từ tháng 4, do áp lực từ phương Tây, ông Zelensky đã nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán và quay sang lập trường cứng rắn.
Ông Lavrov nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục xây dựng sức mạnh chiến đấu và công nghệ ở Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh rằng các binh sĩ được huy động đã trải qua các đợt “huấn luyện nghiêm túc”. Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết Quân đội Nga đang thực hiện các kế hoạch mới nhằm cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược từ nước ngoài viện trợ cho lực lượng Ukraine.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()