Liên minh ba nhóm phiến quân Myanmar trong hai năm qua chuẩn bị về vũ khí, lực lượng để tiến hành đợt tấn công lớn, gây bất ngờ cho quân đội chính phủ.
Ngày 27/10, Liên minh Huynh đệ, tập hợp ba nhóm nổi dậy lớn nhất ở miền bắc Myanmar, ra tuyên bố chung bắt đầu Chiến dịch 1027 nhằm chống lại các cuộc tấn công của quân đội chính phủ cũng như đối phó với các băng nhóm lừa đảo trực tuyến trong khu vực.
Chiến dịch 1027 ban đầu không nhận được nhiều sự chú ý, nhưng sau một tháng phát động tấn công, Liên minh Huynh đệ đã cho thấy họ là thách thức lớn nhất hiện nay với chính quyền quân sự Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021.
Lực lượng này tới nay đã chiếm gần 170 đồn bốt, cứ điểm của quân đội chính phủ, cắt đứt các tuyến hậu cần quân sự và kiểm soát nhiều khu vực kinh tế trọng yếu dọc biên giới, trong đó có cửa khẩuKyin San Kyawtnối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Theo nhà phân tích quân sự Myanmar Moe Sett Nyein Chan, Liên minh Huynh đệ mất khoảng hai năm để chuẩn bị cho chiến dịch quy mô lớn này, huy động khoảng 20.000 quân, với nòng cốt là Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA).
Với sự tham gia của hàng chục lữ đoàn, tiểu đoàn quân nổi dậy, quy mô của Chiến dịch 1027 đã đạt mức "chưa từng có tiền lệ" trong lịch sử giao tranh giữa các lực lượng phiến quân và chính phủ tại Myanmar xét về tốc độ, phạm vi và quân số, theo David Mathieson, nhà phân tích quân sự tại Myanmar.
"Liên minh phiến quân đã khiến quân đội chính phủ bất ngờ bằng các cuộc tấn công quy mô lớn ở miền bắc. Không chỉ vậy, họ còn nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm chống chính phủ trên cả nước, bằng những cuộc tấn công riêng rẽ ở nhiều nơi", ông nói.
Giới quan sát khu vực cho hay các nhóm phiến quân ly khai ở miền bắc Myanmar đã trỗi dậy từ lâu, nhằm xây dựng khu tự trị và kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2/2021 lật đổ, các nhóm phiến quân nhận được thêm nhiều sự ủng hộ từ những người biểu tình chống quân đội.
Sau các vụ biểu tình bạo lực bất thành thời điểm đó, nhiều người Myanmar phản đối chính quyền quân sự đã gia nhập và huấn luyện cùng các nhóm phiến quân nổi dậy. Các nhóm phiến quân nhờ vậy hoạt động mạnh hơn tại vùng nông thôn trong hai năm qua, còn quân chính phủ chủ yếu kiểm soát các thành thị và phòng thủ trong doanh trại.
Về phương diện hậu cần, Mathieson cho rằng các tổ chức phiến quân chủ yếu âm thầm tích trữ, mua sắm vũ khí, trang thiết bị từ bên kia biên giới trong hai năm qua.
"Các nhóm phiến quân đã có thể lập kế hoạch tỉ mỉ cho một chiến dịch phức tạp như 1027, gồm nhiều thành tố khó lường và nhiều thách thức hậu cần, nhưng vẫn duy trì được yếu tố bất ngờ trước quân đội chính phủ", David Mathieson bình luận.
Trong giai đoạn đầu chiến dịch, liên minh phiến quân tấn công vào 5 thị trấn Chinshwehaw, Namkham, Lashio, Hseni và Nawnghkio. Sau đó, họ đánh vào những tuyến đường tiếp vận ở phía bắc ban Shan, cắt đứt giao thông giữa các vùng Mandalay, Pyin Oo Lwin, Lashio, Tanguan và Mongyai.
"Họ vô hiệu hóa liên lạc giữa Bộ tư lệnh Đông Trung bộ của quân chính phủ Myanmar đến Lasio, sau đó mới mở đợt tiến công chủ lực vào các tiền đồn của quân chính phủ ở Lashio và Namtu rồi bao vây cả hai", chuyên gia Moe Sett Nyein Chan phân tích chiến thuật của liên minh phiến quân.
Một số đơn vị quân đội Myanmar đã chủ động buông vũ khí đầu hàng để tránh giao tranh với quân nổi dậy. Đến ngày 2/11, quân đội Myanmar thừa nhận đã mất quyền kiểm soát Chinshwehaw, thị trấn chiến lược giáp biên giới với Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khi đó "kêu gọi tất cả các bên lập tức ngừng bắn và ngừng giao tranh", nhưng không đưa ra bất cứ lời chỉ trích nào nhắm vào các nhóm phiến quân.
Sau hàng loạt trận đánh nhỏ, phe phiến quân tiến vào Lashio, trung tâm của bang Shan và là nơi đặt Bộ chỉ huy Đông Bắc của quân chính phủ. Họ chiếm thị trấn Kunlong, trung tâm hành chính của Lashio, sau 12 ngày giao tranh, bất chấp hơn 200 đợt không kích của quân đội.
Phiến quân thu giữ một số lượng lớn vũ khí từ quân đội chính phủ, trong đó có cả xe tăng, thiết giáo, pháo và hệ thống rocket phóng loạt.
Giới chuyên gia nhận định Chiến dịch 1027 là thách thức lớn nhất cho toàn vẹn lãnh thổ Myanmar từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1948.
"Tổng thống U Myint Swe đã cảnh báo nếu chính phủ không giải quyết hiệu quả những biến cố xảy ra gần đây ở vùng biên, đất nước có thể bị chia cắt", tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội và lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2021, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Nhà nước (SAC) đầu tháng 11.
Chiến dịch của Liên minh Huynh đệ ngày càng được mở rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lực lượng AA, một trong ba nhóm chủ lực của liên minh, đã tuyên bố mở thêm chiến dịch riêng rẽ ở bang Rakhine với 25.000-30.000 quân tham chiến.
Richard Horsey, cố vấn cấp cao trong tổ chức nghiên cứu an ninh Crisis Group, trụ sở ở Mỹ, cảnh báo chính quyền quân sự Myanmar đang đối diện khó khăn chồng chất trước đà tiến của phiến quân.
Ông nhận định quân đội Myanmar đã chấp nhận "từ bỏ một số thị trấn có giá trị chiến lược ở bang Shan" dù nắm trong tay ưu thế vượt trội về không quân và pháo binh. Điều này chứng tỏ phe phiến quân đã đánh trúng điểm yếu của quân đội chính phủ là bị dàn mỏng lực lượng quá mức, khiến họ không đủ lực lượng chống trả khi bị chia cắt và tuyến hậu cần bị phá vỡ.
Dù vậy, cục diện tại khu vực biên giới phía bắc Myanmar không đồng nghĩa chính quyền quân sự sẵn sàng nhượng bộ hay đàm phán hòa bình. Các tướng lĩnh Myanmar đã có nhiều kinh nghiệm trận mạc và họ không dễ dàng chịu khuất phục trước sức ép của phiến quân, Horsey nói.
"Duy trì chính quyền quân sự là vấn đề sống còn đối các tướng lĩnh Myanmar", chuyên gia này nhận định. "Bởi vậy, chiến dịch của nhóm phiến quân có thể khiến giao tranh kéo dài, gây ra tổn thất lớn cho người dân và hạ tầng dân sự".
Ý kiến ()