Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:15 (GMT +7)
Chiến dịch tiêm phòng của Campuchia dự kiến hoàn thành trước thời hạn
Thứ 4, 21/07/2021 | 21:22:50 [GMT +7] A A
Báo Khmer Times dẫn lời Bộ Y tế Campuchia cho biết 6 triệu người dân nước này đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi và Chính phủ có thể đạt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 10 triệu dân sớm hơn dự kến.
Theo người phát ngôn của bộ trên, số người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 đã tăng lên mức trên 4 triệu người và chính phủ nước này đang nỗ lực để đạt mục tiêu tiêm phòng cho 10 triệu người vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay, vượt xa mục tiêu ban đầu. Hiện bộ trên còn giữ 801.201 liều vaccine và Bộ Quốc phòng giữ 758.802 liều để tiếp tục tiêm phòng cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Cũng về vấn đề này, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Li Ailan ngày 20/7 cho hay mức 6 triệu người được tiêm phòng sau 5 tháng triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Campuchia là con số cao đáng ghi nhận. Cần phải đảm bảo tất cả mọi người được tiêm phòng đủ hai mũi bất kể là vaccine nào có sẵn tại Campuchia để tối đa hóa hiệu quả bảo vệ của vaccine. Tất cả các loại vaccine được WHO cấp phép đều có hiệu quả chống lại diễn biến nghiêm trọng của bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.
Cũng trong thời gian này, tỉnh Siem Reap của Campuchia bắt đầu tiêm phòng COVID-19 miễn phí cho tất cả những người nước ngoài sống và làm việc tại tỉnh trên dựa trên tinh thần tự nguyện. Hiện đã có 2.120 người nước ngoài đăng ký được tiêm vaccine với điều kiện có hộ chiếu, visa và giấy lưu trú hợp lệ có hạn đến ngày 30/7.
Trong khi đó tại Malaysia, phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn lời Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO (SAGE), cho biết “do dự trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19” là thuật ngữ được sử dụng để mô tả "sự chậm trễ trong việc chấp nhận hoặc từ chối tiêm chủng mặc dù các dịch vụ tiêm chủng đã sẵn sàng". Những nhân tố ảnh hưởng đến thái độ của người dân đối với tiêm chủng bao gồm sự lo lắng và thiếu tự tin. Mối quan ngại của họ là tác dụng phụ, sự an toàn và thiếu thông tin liên quan đến loại vaccine mà họ sẽ nhận được.
Theo SAGE, chiến dịch tiêm chủng phải điều chỉnh các chương trình thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức để giải quyết những lo ngại về sự an toàn đối với vaccine, đồng thời đẩy mạnh giáo dục về sức khỏe thể chất nhằm giải quyết mọi quan ngại phát sinh trong quá trình triển khai Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19. Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố của nhóm các nhà nghiên cứu Malaysia, tỷ lệ chấp nhận của người dân nước này đối với vaccine ngừa COVID-19 là rất đáng khích lệ. Khoảng 83% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng tiêm phòng mặc dù còn cảm thấy do dự.
Một nghiên cứu trước đó hồi tháng 6/2019 của những nghiên cứu sinh thuốc Đại học Sains Islam Malaysia để xác định sự nhận thức, sự chấp nhận, tự tin, do dự và rào cản của người dân Malaysia đối với vaccine ngừa COVID-19 cho thấy sự chấp nhận tiêm vaccine của người nước này ngày càng tăng với gần 90% số người được hỏi sẵn sàng tiêm.
Theo các chuyên gia y tế, kết quả của hai cuộc khảo sát nêu trên đã cho thấy tác dụng tích cực của các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng được thực hiện từ năm 2020 cũng như những nỗ lực của Chính phủ Malaysia trong việc truyền tải thông tin về vaccine.
Khi các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao và nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 là hy vọng tốt nhất để kiểm soát đại dịch. Chính vì vậy việc giải thích và tuyên truyền nhận thức về vaccine phải được thực hiện liên tục để tăng cường sự hiểu biết của công chúng về vấn đề này.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()