Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:22 (GMT +7)
Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ đào tạo về báo chí hiện đại cho phóng viên Việt Nam
Thứ 4, 20/03/2024 | 08:35:43 [GMT +7] A A
26 nhà báo từ nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam đã nhận được học bổng của Chính phủ Ấn Độ để tham gia “Chương trình đào tạo về báo chí và quan hệ công chúng thiết kế dành riêng cho Việt Nam” tổ chức từ ngày 18-30/3/2024 tại bang Telaganna, Ấn Độ.
Chương trình đào tạo trong hai tuần do Bộ Ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ tài trợ, thuộc Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC).
Phát biểu tại lễ khai giảng tại Viện Phát triển Nguồn nhân lực Dr Marri Channa Reddy (Bang Telangana, Ấn Độ) ngày 18/3, Tiến sỹ Shashank Goel, Tổng Giám đốc Viện Phát triển Nguồn nhân lực Dr Marri Channa Reddy kiêm Thư ký Chính phủ tại Bang Telangana, nhấn mạnh chương trình đào tạo này được xây dựng dựa trên quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài của hai Chính phủ Việt Nam-Ấn Độ.
Theo ông Shashank Goel, báo chí thể hiện tiếng nói của người dân, có tác động quan trọng trong việc ổn định xã hội dân chủ, vai trò của phóng viên báo chí là hết sức quan trọng.
Ngày nay, sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, X (trước đây là Twitter), Instagram, YouTube, LinkedIn... đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong truyền thông.
“Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của nhà báo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ không chỉ là người đưa tin mà phải duy trì các nguyên tắc về tính chính xác, sự công bằng khách quan và đạo đức báo chí, vì lợi ích cộng đồng,” Tiến sỹ Shashank Goel lưu ý.
Tiến sĩ Shashank Goel khẳng định Việt Nam là một đất nước có di sản văn hóa đầy màu sắc, nền kinh tế phát triển nhanh và đang hội nhập toàn cầu mạnh mẽ. Do đó, việc nâng cao kỹ năng của đội ngũ phóng viên báo chí rất quan trọng. Việt Nam và Ấn Độ có nhiều sự tương đồng về chính trị, xã hội, lịch sử, do đó ông tin tưởng rằng khóa học này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà báo Việt Nam.
Tiến sỹ Madhavi Ravulapati, Giám đốc khóa học, cho biết chương trình đào tạo tập trung vào các loại hình báo chí mới, các kỹ năng làm báo hiện đại và sản xuất nội dung cho truyền thông mạng xã hội. Chương trình có sự hướng dẫn, giảng dạy của nhiều chuyên gia truyền thông, báo chí nổi tiếng của Ấn Độ.
Chủ đề và nội dung các buổi học được thiết kế dành riêng cho báo chí Việt Nam, có sự liên kết giữa báo chí truyền thống và các dạng truyền thông mới, nhằm mục tiêu cung cấp hiểu biết chuyên sâu về hoạt động báo chí và đạo đức báo chí, phát triển kĩ năng truyền thông và quan hệ công chúng mang tính chiến lược, nâng cao khả năng nhận thức về truyền thông (khả năng phát hiện và phân tích thông điệp truyền thông, khả năng tạo dựng và tận dụng sức mạnh của thông tin đem đến những thay đổi tích cực cho cộng đồng trong thời đại mới) và khả năng thúc đẩy tương tác hiệu quả với truyền thông, đem đến cách tiếp cận chiến lược về quan hệ công chúng và sự tham gia của các đối tượng trong mối quan hệ này, thực hành kĩ năng viết: viết báo, viết thông cáo báo chí và các tư liệu báo chí khác bằng tiếng Anh.
Trước đó, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phỏng vấn lựa chọn 26 nhà báo từ các cơ quan báo chí trong cả nước để trao học bổng tham dự khóa học tại Telangana, Ấn Độ. Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có 01 biên tập viên nhận được học bổng tham dự khóa học này.
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (QMG) là mô hình thí điểm duy nhất của cả nước thực hiện hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh (gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, Báo Hạ Long, Cổng thông tin điện tử tổng hợp thuộc Văn phòng UBND tỉnh). Đơn vị hiện sản xuất cùng lúc nhiều loại hình truyền thông gồm báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh, ấn phẩm sách, tạp chí… Ngoài loại hình báo chí truyền thống, QMG cũng quan tâm đến hình thành và phát triển các kênh truyền thông trên mạng xã hội để đa dạng hóa kênh thông tin, tăng khả năng tiếp cập và đáp ứng nhu cầu của độc giả trong thời đại số.
Phương Loan
Liên kết website
Ý kiến ()