Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:32 (GMT +7)
Chính phủ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đồng hành và phát triển
Thứ 2, 16/10/2023 | 11:31:50 [GMT +7] A A
Sáng 16/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề đồng hành và phát triển. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện 15 hiệp hội, 180 đại biểu doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế: được khuyến khích phát triển bình đẳng; được đối xử công bằng, nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.
Trong 9 tháng năm 2023: kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng; cán cân thương mại xuất siêu 21,6 tỷ USD; vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Với những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.
“Nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá trung thực, điều hành linh hoạt, giải pháp kịp thời”
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Với phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã nhận diện các thách thức, khó khăn nội tại như: quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn; năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, chủ động thích nghi và ứng phó với biến động mới và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới; từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Cơ hội của Việt Nam cũng là cơ hội phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đòi hỏi phải có sự chia sẻ, đồng hành của khu vực FDI với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Chỉ có sự phối hợp mới đem lại thành thành công. Và thành công này sẽ chia sẻ cho cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp:
Đối với các bộ, ngành, địa phương: Thứ nhất, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai dự án; chủ động tiếp cận, nắm bắt để tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Thành công của một số địa phương trong việc thu hút được các dự án FDI quy mô lớn như: Hải Phòng, Bình Dương, Nghệ An, Bắc Ninh… là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của giải pháp này.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Thứ ba, tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy đầu tư công để tạo động lực cho đầu tư tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Thứ tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để tiết giảm thời gian, chi phí, nhanh chóng đưa các dự án đi vào triển khai, tạo các động lực tăng trưởng mới.
Thứ năm, chủ động chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như: mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; năng lượng; nguồn cung lao động có tay nghề; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị.
Đối với cộng đồng các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài: Thứ nhất, tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp để: kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh; tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ hai, sự phối hợp giữa Chính phủ với doanh nghiệp FDI cần đặt trên đà phát triển mới.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; trong đó, định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn tới đã có những thay đổi lớn, có những bước đi vững chắc trong tương lai so với giai đoạn trước đây. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc các dự án đầu tư phù hợp với định hướng của Việt Nam và xu thế phát triển xanh, bền vững hiện nay để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến sự thịnh vượng chung cho hai bên.
Thứ ba, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn; giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nước, tạo cơ hội để cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học… thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ thông qua đội ngũ trí thức, gắn nghiên cứu với thử nghiệm, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Sau phần dẫn đề của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phần phát biểu của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài về cam kết đồng hành cùng Chính phủ, hiến kế để thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; lãnh đạo các doanh nghiệp phát biểu về việc nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hợp tác phát triển và kế hoạch đầu tư, mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam.
Lãnh đạo Liên minh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) David Whitehead đánh giá cao cơ hội được gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng để thúc đẩy các cơ hội hợp tác đầu tư; bày tỏ cam kết phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam. Ông đánh giá Chính phủ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để đưa ra chính sách kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhờ đó kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát. Với vai trò kiến tạo, Chính phủ đã thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp FDI. Cộng đồng FDI tin tưởng Chính phủ Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần cải tiến, điều chỉnh thủ tục cấp phép về đất, giấy phép lao động, cắt giảm các thủ tục kinh doanh không cần thiết, giúp Việt Nam thu hút đầu tư, nhất là vào ngành công nghiệp chip bán dẫn. VBF cam kết luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong chặng đường phát triển đất nước.
Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) John Rockhold bày tỏ vui mừng vì Việt Nam và Hoa Kỳ vừa nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra nhiều cơ hội hợp tác song phương, qua đó giúp Việt Nam độc lập, thịnh vượng và hùng cường. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, động lực đầu tư của Việt Nam. Sau chuyến thăm làm việc tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang ngày càng bày tỏ quan tâm đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Ông kiến nghị, Việt Nam cần khai thác tối đa nền kinh tế số, tham gia chuỗi cung ứng, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn; đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông bày tỏ hy vọng hội nghị này sẽ góp phần giảm bớt những khó khăn, thách thức, nâng cao khả năng cạnh tranh, gỡ bỏ các rào cản đầu tư. AmCham bày tỏ mong muốn được tăng cường tiếp cận năng lượng xanh, năng lượng sạch, điện ở Việt Nam; kiến nghị Chính phủ cần có kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII; đơn giản hoá các thủ tục đầu tư năng lượng sạch, xanh. Hy vọng, AmCham sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam; chung tay Chính phủ Việt Nam vượt qua tất cả khó khăn, thách thức, qua đó thu hút ĐTNN, nâng cao khả năng cạnh tranh. AmCham luôn coi trọng hợp tác với Chính phủ Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Kinoshita Tadahiro cho biết, các công ty Nhật Bản tại Việt Nam nỗ lực hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ tại đây nhưng các nhà cung cấp địa phương chưa đóng góp được trong việc này. Chỉ 16% hàng hoá và nguyên liệu đến từ các địa phương Việt Nam. Trong khi các công ty FDI phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu từ các nước láng giềng.
Các doanh nghiệp Nhật Bản mong nâng cao tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam; mong tìm được nhiều công ty địa phương có năng lực tốt hơn, đồng thời mong hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng FDI mạnh mẽ hơn. Chúng ta cần quản lý tài nguyên tốt hơn, không chỉ là tài nguyên thô mà cả con người; cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Torben Minko cho biết, phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu của EuroCham. Vừa qua, EuroCham cùng EU đã thảo luận và nhất trí đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu. EU coi Việt Nam là hình mẫu hợp tác để các quốc gia khác noi theo. Tuy nhiên, khi Việt Nam tích hợp các quy định về thoả thuận xanh với EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức, do đó họ phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về mặt pháp lý, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh. EuroCham cam kết làm cầu nối giữa EU với Việt Nam; cung cấp hỗ trợ về tài chính, tạo điều kiện thuận lợi, giúp Việt Nam đạt mục tiêu bền vững, đầy tham vọng, tăng cường quan hệ hợp tác mạnh mẽ với EU. EU đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng. EuroCham đánh giá cao Quy hoạch Điện VIII của Chính phủ mới được ban hành nhưng kiến nghị Chính phủ cần thiết lập khung khổ pháp lý mạnh mẽ để hạn chế năng lượng hoá thạch. EuroCham cam kết hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam chuyển đổi xanh.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()