Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:02 (GMT +7)
Chính quyền liêm chính, phục vụ của Quảng Ninh
Thứ 6, 21/05/2021 | 14:28:18 [GMT +7] A A
10 năm qua, nhất là giai đoạn 5 năm (2016-2020), Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp, cách làm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo, thực chất và hiệu quả trong nhiều nội dung công tác. Từ đó, hình ảnh về một chính quyền tỉnh kiến tạo, ngày một liêm chính, hành động tích cực, phục vụ tối đa lợi ích của người dân, doanh nghiệp dần được hình thành, góp phần đưa tỉnh chinh phục nhiều thành tựu nổi bật, đáng ghi nhận.
Dấu ấn trong cải cách hành chính
10 năm qua, nhất là giai đoạn 5 năm 2016-2020, Quảng Ninh luôn được Trung ương đánh giá là địa phương khởi nguồn của nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình và cách làm đổi mới, sáng tạo, đạt được hiệu quả rất thực chất trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích của nhân dân, Quảng Ninh đã thu được về nhiều thành tựu trong tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội.
Công tác CCHC, cải cách thể chế luôn được tỉnh xác định là “chìa khoá” chính để khơi thông những điểm nghẽn trong quá trình xây dựng và vận hành chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ của Quảng Ninh. Thời gian qua, tỉnh đã chủ động, tích cực nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thông qua các đề án lớn, nhất là đã hoàn thiện Đề án "Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn" báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến; mạnh dạn vận dụng hình thức PPP trong đầu tư xây dựng, vận hành các công trình, dự án lớn của tỉnh như đường cao tốc, sân bay, hạ tầng du lịch..., tạo đột phá về hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, đưa hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng… trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Đến nay, Quảng Ninh đã và đang được Trung ương đánh giá là một tỉnh năng động, mạnh dạn đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiều mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy đã được tỉnh mạnh dạn thực hiện trên cơ sở vận dụng sáng tạo, linh hoạt quy định của Trung ương vào điều kiện thực tiễn địa phương. Tổ chức bộ máy các cơ quan được kiện toàn, tinh gọn, giảm cấp trung gian, đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được cơ cấu lại và nâng cao chất lượng theo vị trí việc làm, nâng cao kỷ luật kỷ cương, hành chính, từng bước giúp chính quyền tỉnh đạt được hiệu lực, hiệu quả thực chất trong hoạt động.
Trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch đã giúp giảm 40-50% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương. Hệ thống trung tâm hành chính công hoạt động theo nguyên tắc "5 tại chỗ"; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã vận hành trơn tru, phát huy hiệu quả, tạo được sự thuận lợi, thông thoáng tối đa cho doanh nghiệp, người dân. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của chính quyền và các cơ quan công vụ tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, đạt 99,7% ở cấp tỉnh, 99,9% ở cấp huyện.
Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Những đột phá trong hiện đại hóa nền hành chính có thể thấy rõ qua việc tập trung xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, đề án chính quyền số và trung tâm điều hành thành phố thông minh; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và kết nối liên ngành, liên thông dịch vụ công trực tuyến 4 cấp... Đáng chú ý, Quảng Ninh là một trong 3 địa phương được Chính phủ lựa chọn để triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và nằm trong tốp đầu các tỉnh cung cấp dịch vụ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đồng thời, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước kết nối liên thông Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần giúp Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành sát sao, hiệu quả.
Năm 2020 vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, để vừa đảm bảo an toàn, vừa giải quyết kịp thời TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh đã đẩy mạnh thêm một mức đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đây là giải pháp tối ưu vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, vừa góp phần phòng tránh dịch bệnh. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hiện cung ứng hơn 1.500 TTHC mức độ 3, mức độ 4, đạt trên 94%, trong đó có hơn 600 TTHC được thực hiện trực tuyến ở mức độ 4. Riêng năm 2020 có gần 220.000 hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến, đạt 40%, cao nhất từ trước tới nay; trên 70% người dân, doanh nghiệp trong tỉnh được phục vụ bởi các dịch vụ công của chính quyền điện tử.
Nhận xét về cách làm của Quảng Ninh trong thực hiện chương trình CCHC, xây dựng một chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp, Vụ phó Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Hoàng Ngọc Anh khẳng định: Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt và đồng bộ, đạt nhiều kết quả nổi bật, từ cải cách thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC, cải cách tài chính công, đến hiện đại hóa hành chính. Trong đó, có rất nhiều cách làm hay, sáng tạo được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước. Đặc biệt là việc tinh giản bộ máy, biên chế, nhất thể hóa; mô hình trung tâm hành chính công; đồng hành cùng doanh nghiệp. Vì vậy mà sức hút với các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh khá cao so với mặt bằng chung trong nước.
Những nỗ lực, quyết tâm và đổi mới sáng tạo của tỉnh trong nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các cấp, ngành trong tỉnh; mang lại những kết quả khá toàn diện, bứt phá trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút được nguồn lực lớn ngoài ngân sách, tạo động lực đột phá mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Sự ghi nhận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp
Thành quả của sự cầu thị, nỗ lực và đổi mới không ngừng trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ của Quảng Ninh trong thời gian qua được thể hiện rõ nét, khách quan nhất qua sự ghi nhận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền, bộ máy điều hành của tỉnh. Ngày 15/4 vừa qua, năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh giành vị trí quán quân bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 với 75,09 điểm, là địa phương đầu tiên, duy nhất đạt thang điểm trên 75 trong vòng 10 năm qua, tăng 1,69 điểm so với năm 2019. Quảng Ninh đã thể hiện sự xuất sắc khi vượt qua chính mình, ghi dấu ấn trong nỗ lực cải cách không ngừng nghỉ.
Đáng chú ý, trong bảng điểm các chỉ số thành phần PCI của Quảng Ninh năm 2020, nhiều chỉ số quan trọng, thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, chân thật của người dân và cộng động doanh nghiệp có những bước tăng vượt bậc so với năm 2016. Điển hình như chỉ số Tiếp cận đất đai tăng từ 6,07 điểm lên 7,12 điểm; chỉ số Chi phí thời gian tăng từ 6,86 điểm lên 8,53 điểm; chỉ số Chi phí không chính thức tăng từ 6,38 điểm lên 7,37 điểm; chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng từ 5 điểm lên 7,25 điểm; chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh tăng từ 5,7 điểm lên 7,33 điểm; chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng từ 6,26 điểm lên 7,58 điểm; chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự tăng từ 5,4 điểm lên 7,76 điểm…
Kết quả này tới từ những nỗ lực đặc biệt của tỉnh trong năm 2020, khi chính quyền tỉnh đã đặt trọng tâm vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải có các giải pháp phản ứng nhanh, linh hoạt để nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch; xác định rõ các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều, như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng việc thúc đẩy và cùng các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, tìm kiếm đổi tác kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm… Chính quyền tỉnh với sự phối hợp tích cực của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp từ quy mô từ cấp huyện, sở, ngành tới cấp tỉnh để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả, như một số Nghị quyết hỗ trợ khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch.
Kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã ghi nhận những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể: 89% số doanh nghiệp đánh giá chính quyền tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; 79% số doanh nghiệp cho biết chính quyển tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn để mới phát sinh; 97% số doanh nghiệp nhận được phản hồi tích cực từ cơ quan chính quyền tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc; 81% số doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết của cơ quan chính quyền tỉnh.
Yêu cầu “3 giảm” (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư) trong cải cách TTHC được chính quyền tỉnh thực hiện liên tục suốt thời gian qua cũng mang lại kết quả tích cực qua đánh giá của doanh nghiệp: 71% số doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản (năm 2019 là 66%); 84% số doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn so với quy định (năm 2019 là 76%); gánh nặng chi phí không chính thức của doanh nghiệp tại Quảng Ninh cũng đã giảm bớt, khi chỉ có 3% số doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho khoản này (năm 2019 là 5%). Chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể, với tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục sử dụng một số loại dịch vụ công của tỉnh ở mức cao: Dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường (81%), dịch vụ tư vấn pháp luật (88%), dịch vụ liên quan tới công nghệ (75%)…
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: Quảng Ninh là một trong số ít những địa phương trong nước thực hiện rất tốt việc cụ thể hoá định hướng phát triển bền vững bằng các quy hoạch, chính sách chiến lược và cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, điều hành thực hiện các quy hoạch, chính sách đó bằng những mô hình cải cách, phát triển hiệu quả, thực chất. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh và đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tiếp nối qua các thời kỳ luôn trung thành, kiên định, nhất quán với định hướng, tầm nhìn phát triển, luôn đặt lợi ích của xã hội, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp lên trên hết, chính là mấu chốt đem lại “trái ngọt” cho Quảng Ninh trong suốt thời gian qua. Minh chứng rõ nhất chính là sự đánh giá, ghi nhận từ thật tâm cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đưa Quảng Ninh chinh phục tất cả các bảng xếp hạng, các chỉ số, các thành tựu đáng tự hào.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia trên cơ sở phân tích môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và nỗ lực CCHC của tỉnh giai đoạn vừa qua cho thấy, Quảng Ninh đã ở giai đoạn bứt phá mạnh mẽ, tạo sự chuyển động nhanh trong phát triển 3 trụ cột: Hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực, trở thành một trong số địa phương dẫn đầu cả nước trong nhiều nội dung của hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội.
Nhìn nhận đúng tình hình, tiếp tục xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ
Nhận diện đúng tình hình, những cơ hội và thách thức, đồng thời khẳng định vẫn còn nhiều dư địa để cải cách, phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, Quảng Ninh thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng CCHC; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng đến xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ. Trong Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đã xác định CCHC là một trong 3 đột phá chiến lược, phấn đấu hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Đại hội cũng đã thông qua 15 đề án, chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có Đề án CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo, trình Tỉnh ủy ban hành thành nghị quyết. Mục tiêu của Đề án và Nghị quyết nhằm xây dựng nền hành chính tỉnh hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, gắn với định vị thương hiệu tỉnh dẫn đầu về CCHC, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Đến năm 2025 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện ở phía Bắc. Đến năm 2030 là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Dự thảo Đề án và Nghị quyết cũng đặt ra từng mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung cải cách quyết liệt, hiệu quả TTHC, gỡ bỏ mọi rào cản từ phía các cơ quan quản lý và đội ngũ CB,CC,VC; giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức để tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển. CCHC gắn kết chặt chẽ với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi, bình đẳng. Việc sớm hoàn thiện Đề án và ban hành Nghị quyết về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 thể hiện quyết tâm của Quảng Ninh trong việc xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; giữ vững thương hiệu tỉnh dẫn đầu về CCHC, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()