Tất cả chuyên mục

Ngày 29-5-2013, BTV Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 07 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” với nhiều nội dung trọng tâm, thiết thực. Theo đó đến nay, việc đầu tư phát triển cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh đã có những bước tiến dài.
![]() |
Đoàn Thanh niên Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Lữ đoàn 170 Hải quân tham gia làm đường xây dựng nông thôn mới tại xã Đông Ngũ (Tiên Yên). Ảnh: Quang Minh |
Theo phân định 3 khu vực vùng dân tộc và miền núi (DTMN), hiện nay tỉnh Quảng Ninh có 113 xã thuộc vùng DTMN, trong đó có 83 xã thuộc khu vực I; 8 xã thuộc khu vực II và 22 xã thuộc khu vực III. Các xã khu vực III là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Cùng với đó, trên địa bàn còn có 11 thôn thuộc diện ĐBKK ở 8 xã ngoài 22 xã ĐBKK. Trên địa bàn tỉnh có 25 xã thuộc diện đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135 (bao gồm 22 xã ĐBKK và 3 xã biên giới không thuộc diện ĐBKK là Hải Sơn, Bắc Sơn (TP Móng Cái) và xã Hoành Mô (Bình Liêu). Những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư hỗ trợ để các xã, thôn ĐBKK từng bước xây dựng và hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống văn hoá, xã hội của người dân. Trong giai đoạn 2011-2015 tỉnh đã bố trí 613,981 tỷ đồng từ ngân sách, tính trung bình một năm, mỗi xã được đầu tư, hỗ trợ 5,58 tỷ đồng. Các nguồn lực hỗ trợ chủ yếu thông qua Chương trình 135 (122,392 tỷ đồng), Chương trình xây dựng nông thôn mới (468,189 tỷ đồng), Đề án 755 (23,4 tỷ đồng) và một số nguồn vốn lồng ghép khác để đầu tư cho các xã. Riêng năm 2016, tỉnh đã bố trí 100 tỷ đồng thực hiện Chương trình 135; 70,296 tỷ đồng thực hiện Đề án 755 và 60 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện tại các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn.
Với sự đầu tư đồng bộ, hiệu quả, đến hết năm 2015, 100% xã vùng ĐBKK đã có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã, có đủ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, có trung tâm học tập cộng đồng, có trạm y tế đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 95% số hộ dân ở các xã ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia; 85% hộ dân nông thôn, miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Tình hình kinh tế ở khu vực này đã và đang từng bước có sự chuyển biến tích cực với nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được từng bước nhân rộng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng ĐBKK từng bước được ổn định và nâng cao; truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp được gìn giữ và phát huy; hệ thống chính trị được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững; niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước được tăng cường...
![]() |
Đường bê tông, điện lưới được đầu tư hoàn thiện, góp phần nâng cao đời sống người dân thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn (TP Móng Cái). |
Mặc dù có nhiều chuyển biến như vậy, song khoảng cách chênh lệch về kinh tế, xã hội, về hưởng thụ các dịch vụ cơ bản của nhân dân tại địa bàn này so với khu vực đô thị còn khá lớn; thu nhập bình quân đầu người còn thấp (trung bình 11,71 triệu đồng/người/năm, thấp hơn 7,4 lần thu nhập bình quân đầu người của tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; việc thụ hưởng những tiến bộ về y tế, giáo dục ở khu vực này còn thấp... Trên cơ sở đánh giá tổng thể nguyên nhân, tồn tại, hiện nay, với vai trò của mình, Ban Dân tộc tỉnh đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Dự thảo Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Theo Dự thảo Đề án thì mục tiêu chung là đến hết năm 2020, 100% xã, thôn ĐBKK của tỉnh hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, đồng thời ra khỏi diện ĐBKK... Về nhiệm vụ, Dự thảo Đề án chủ trương: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm người dân chủ động, tích cực vươn lên thoát nghèo bền vững; tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, đời sống nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm trực tiếp của cấp xã, huyện trong việc vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện và giám sát cộng đồng trong thực hiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ và đầu tư...
Đồng chí Lý Văn Thành, Phó Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Hiện Ban Dân tộc tỉnh đang chủ động phối hợp với các ngành chức năng hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền thông qua Đề án. Với những giải pháp, cách làm cụ thể đã nêu trong Dự thảo Đề án, chắc chắn, trong thời gian tới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ.
Với sự đầu tư đồng bộ, hiệu quả, đến hết năm 2015, 100% xã vùng ĐBKK đã có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã, có đủ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, có trung tâm học tập cộng đồng, có trạm y tế đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 95% số hộ dân ở các xã ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia; |
Quang Minh
Ý kiến (0)