Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:09 (GMT +7)
Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người: Cho đi là còn mãi
Thứ 2, 17/06/2024 | 11:11:46 [GMT +7] A A
Ở nhiều độ tuổi, đảm nhận những vị trí, ngành, nghề khác nhau, nhưng bằng tấm lòng nhân văn cao cả, họ đã vượt qua mọi định kiến để có chung một quyết định là điền tên mình vào đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người. Những người tốt, việc tốt đó thật sự là nguồn năng lượng sống tích cực, đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.
Những tấm lòng cao cả
Ngay khi kết thúc ca trực, bác sĩ Nguyễn Văn Long (SN 1990, Khoa Ngoại Tiêu hóa và Tổng hợp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng do Bệnh viện phát động. Bác sĩ Long chia sẻ, đầu tháng 4/2024 anh và các đồng nghiệp tại Bệnh viện tham gia vào quá trình lấy tạng của nam bệnh nhân 36 tuổi (trú phường Trưng Vương, TP Uông Bí) bị chết não do tai nạn giao thông đã được gia đình đồng ý hiến tạng để cứu sống 5 người mắc bệnh hiểm nghèo và mang lại ánh sáng cho 2 người khác. Tinh thần, tấm lòng sẵn sàng sẻ chia, “cho đi là còn mãi” của gia đình họ là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng đến anh Long và mọi người về ý nghĩa của việc hiến tặng mô, tạng cứu người. Vì vậy, ngay khi Bệnh viện tổ chức phát động, anh Long đã không chút do dự đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người.
Bác sĩ Long cho biết: Là một bác sĩ phẫu thuật, hằng ngày tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân phải “chiến đấu”, giành giật từng giây cho sự sống, cận kề với lằn ranh sinh tử. Trong số đó có nhiều người còn rất trẻ nhưng đã bị suy tạng giai đoạn cuối, họ chẳng có thể làm gì ngoài việc chờ đợi cơ hội được hiến tạng. Điều này thực sự thôi thúc chúng tôi, những bác sĩ trẻ đang mang trên mình sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cần phải tiên phong hành động, bắt đầu từ việc tự nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng; giúp những người mắc bệnh có cơ hội viết tiếp hành trình về cuộc sống, về giấc mơ còn dang dở.
Cùng chung suy nghĩ muốn được đóng góp, lan tỏa tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, chị Đàm Thị Phụ (SN 1993, dân tộc Sán Chỉ, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) mới đây đã tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng. Dù đang sinh sống và làm việc tại huyện miền núi còn rất nhiều định kiến, người dân chưa hiểu đầy đủ về chuyện hiến tạng, song là một cán bộ dân số của Trung tâm Y tế huyện, chị Phụ đã nghiêm túc tìm hiểu thông tin, quy trình cũng như ý nghĩa của việc hiến tặng mô, tạng. Khi đã hiểu đầy đủ, thấy việc làm hiến tặng mô, tạng này có ý nghĩa thiết thực, sẽ mang lại cơ hội sống cho những người không may mắc bệnh hiểm nghèo, chị đã quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Chị Phụ chia sẻ: Tôi đăng ký hiến tặng mô, tạng là hành động tự nguyện, không vì phong trào. Nhưng để đưa ra được quyết định đó, không phải ai cũng được gia đình, người thân ủng hộ. Rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng là những định kiến và quan niệm cũ. Bởi người dân ở đây vẫn còn nặng quan điểm khi chết phải toàn thây. Vì vậy, tôi phải nói chuyện, chia sẻ nhiều lần để các thành viên trong gia đình, người thân và bạn bè hiểu về việc đăng ký hiến tặng mô, tạng, nhìn nhận việc làm này với ý nghĩa cao cả và thiêng liêng.
Thấu cảm trước nỗi đau của những bệnh nhân phải từ bỏ sự sống vì không có tạng để ghép, thạc sĩ, bác sĩ Ngô Văn Tuấn (SN 1988, Phó trưởng Khoa Nội tim mạch, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã ký tên mình vào đơn đăng ký tình nguyện hiến tặng mô, tạng. Anh là một trong những cán bộ, nhân viên y tế đầu tiên của Bệnh viện tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Ngày hội đăng ký hiến tặng mô, tạng do Sở Y tế phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh Đoàn tổ chức ngày 30/11/2023 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ Tuấn cho hay: Một người còn sống đồng ý hiến tặng tạng thì chỉ có thể cho đi 1 lá gan hoặc 1 quả thận. Nhưng một người đồng ý đăng ký hiến tặng mô, tạng khi qua đời có thể hiến được 10 tạng (2 thùy gan, 2 quả thận, 2 lá phổi, 2 giác mạc, tim, tụy) và nhiều mô như da, xương, gân, sụn... Nói như vậy để thấy đăng ký hiến tặng mô, tạng là việc làm thật sự có ý nghĩa đối với cộng đồng, với những người bệnh kém may mắn đang mong mỏi một cơ hội, một phép màu để được cứu sống. Vì vậy, tôi và nhiều đồng nghiệp của mình đã tham gia hoạt động đăng ký hiến tặng mô, tạng rất ý nghĩa này, với hy vọng tiếp tục lan tỏa tinh thần “cho đi là còn mãi”.
Chỉ trong thời gian ngắn phát động, toàn ngành y tế Quảng Ninh đã có hơn 1.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng. Hành động nhân văn của mỗi cán bộ, nhân viên y tế khi tham gia vào mạng lưới hiến mô, tạng đã và đang góp phần trao thêm hàng nghìn cơ hội sống cho những người bệnh, không ngừng lan tỏa, thắp lên “ngọn lửa” của lòng nhân ái, chung tay cùng với cộng đồng vun đắp những giá trị sống cao cả, khi mỗi người biết yêu thương, sẻ chia.
Lan tỏa yêu thương
Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 (1890-2024), Bộ Y tế, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi”. Tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi: “Mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, vùng miền: Hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần “Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống” vì “Cho đi là còn mãi”, một người có thể cứu nhiều người”.
Hưởng ứng lời kêu gọi, hàng nghìn người dân Quảng Ninh đã tự nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người. Đến ngày 14/6/2024 toàn tỉnh có 1.357 người đăng ký hiến tặng mô, tạng. Đi đầu là những cán bộ, nhân viên y tế trong tỉnh.
Quảng Ninh đã thành lập Chi hội Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người (ngày 17/5/2024). Theo bác sĩ CKII Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi hội trưởng Chi hội Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh, tất cả các đơn vị y tế trong tỉnh đã tham gia mạng lưới hiến tặng mô, tạng, phát động đến toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế. Hy vọng nghĩa cử cao đẹp đăng ký hiến tặng mô, tạng từ đội ngũ y, bác sĩ sẽ lan tỏa trong cộng đồng để thúc đẩy ý thức và hành động hiến tạng cứu người trong mỗi người dân, nhằm mang lại cuộc sống mới cho nhiều người bệnh cần ghép tạng. Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục là cầu nối để tư vấn cho người dân tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người.
Ấp ủ dự định đăng ký hiến tặng mô, tạng từ lâu, nên khi biết thông tin lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng năm 2024” ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, bà Nguyễn Thị Sâm (SN 1965, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) đã tham gia. Bà Sâm xúc động: Nhiều năm hướng Phật nên tôi càng hiểu hơn tinh thần từ bi “Cứu 1 mạng người hơn xây 7 tòa tháp”. Chồng tôi đột tử khi mới 36 tuổi. Tôi xem, đọc các thông tin trên tivi, báo, mạng xã hội về những trường hợp người trẻ kém may mắn khi mắc bệnh hiểm nghèo không có nguồn hiến tạng mà mất đi sự sống. Những điều này đã thôi thúc tôi quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng. Con gái tôi là nhân viên y tế cũng tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Mang tinh thần của một nữ thanh niên xung phong, nữ chiến sĩ trường sơn, nên bà Đào Thị Sơn (SN 1951, phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả) không ngần ngại tham gia đăng ký hiến mô, tạng. Được biết, trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, bà Sơn đã có thông tin về chương trình đăng ký hiến mô, tạng cứu người. Sau đó, bà đã chủ động liên hệ với Bệnh viện xin tham gia đăng ký tại lễ phát động. Các con cháu trong gia đình cũng hoàn toàn ủng hộ việc làm thiện lành của bà.
Mưu chí, quyết đoán khi làm nhiệm vụ, Đại úy Lưu Thị Hạnh (SN 1988, Đội CSGT đường bộ số 2, Phòng CSGT, Công an tỉnh) cũng thể hiện rõ tinh thần dũng cảm, sẵn sàng tiên phong của tuổi trẻ khi quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng. Từ khi còn là sinh viên cho đến nay, chị Hạnh luôn tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, các chương trình thiện nguyện giúp đỡ, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn, nên thấu hiểu ý nghĩa, sự cấp thiết của việc hiến tạng cứu người.
“Một người bạn của tôi đã qua đời do tai nạn giao thông khi rất trẻ mà không có cách gì có thể cứu chữa. Việc hiến tạng khi chết hoặc chết não của một người có thể mang lại sự sống cho biết bao người bệnh đang mòn mỏi chờ được ghép tạng. Vậy thì tại sao mình lại không hành động, không làm thêm một việc tốt hoàn toàn trong khả năng của mình, bởi biết đâu việc làm ấy sẽ cứu sống chính người thân, bạn bè của mình. Đó là lý do tôi đã đăng ký hiến tặng mô, tạng, được Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia ấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng từ tháng 12/2022” - Chị Hạnh tâm sự.
Chị Hạnh cũng chia sẻ thêm với chúng tôi về dự định sẽ hiến xác cho khoa học. Bởi chị thấy được việc hiến xác có ý nghĩa cho nền y học nước nhà phát triển. Song hành trình này sẽ trọn vẹn hơn khi có sự ủng hộ của gia đình.
Nguồn tạng hiến chính là cứu cánh cuối cùng của người bệnh, niềm hy vọng cho sự sống hồi sinh. Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống, hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.
Chắc chắn khi có thêm nhiều người đăng ký hiến tạng sẽ lan tỏa nhiều hơn nguồn năng lượng tích cực, thắp lên niềm tin, ý chí, động lực cho những bệnh nhân suy tạng đang chờ ghép, bởi họ biết rằng bên cạnh mình không chỉ có gia đình, người thân mà cả xã hội đều quan tâm, sẻ chia, trao tặng cơ hội sống cho họ.
Hướng dẫn đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não
Cách thứ 1: Đăng ký theo mẫu đăng ký của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam (Bộ Y tế); Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế). Người đăng ký điền theo mẫu gửi tới Trung tâm, kèm theo 1 ảnh thẻ, 1 bản photo CCCD/hộ chiếu (không cần công chứng) tới địa chỉ: Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; phòng 230, nhà C2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trên bì thư ghi số điện thoại người nhận: 0915060550.
Cách thứ 2: Đăng ký tại Tổ tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Liên hệ hotline: 1900.88.66.58
|
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()