Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:48 (GMT +7)
Cho những trải nghiệm Vịnh Hạ Long trọn vẹn hơn…
Chủ nhật, 31/07/2022 | 07:40:56 [GMT +7] A A
Di chuyển nhiều, năng động, hoạt bát là một số điểm dễ nhận thấy nhất của những hướng dẫn viên du lịch. Mùa du lịch hè năm nay, Vịnh Hạ Long đông đảo chưa từng có, dịp cuối tuần có thể thu hút tới hàng chục nghìn khách tham quan mỗi ngày. Đồng hành với bước chân du khách chính là họ - những hướng dẫn viên tuyến, điểm giàu chất lửa, giúp cho những khám phá Hạ Long của du khách trọn vẹn hơn.
Để có những trải nghiệm thực tế về công việc của những hướng dẫn viên nơi đây, chúng tôi đã kết nối với Tổ hướng dẫn viên - tuyên truyền, Trung tâm Hướng dẫn và điều hành du lịch Vịnh Hạ Long (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long). Dịp này, du lịch Hạ Long đang là mùa cao điểm, lượng khách đông cũng đi kèm những yêu cầu nhiều hơn về hướng dẫn viên đến từ các đoàn khách nên lịch làm việc của họ gần như kín trong ngày.
Chị Đỗ Thị Nhàn, Tổ trưởng Tổ hướng dẫn viên - tuyên truyền, cho hay, so với trước dịch, có khi đơn vị chỉ dẫn 5-6 đoàn/tháng nhưng bây giờ có ngày dẫn tới 2 đoàn khách, cả tháng có 22 ngày làm việc thì 15, 16 ngày đi hướng dẫn, còn lại là học tập chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ. Đây là cường độ làm việc cao, vì mỗi đoàn đi từ 3-6 tiếng, một hướng dẫn viên mà dẫn 2 đoàn/ngày thì khá mệt…
Với lịch kín như vậy, sau cuộc hội ý nhanh gọn vào đầu giờ sáng để phân công nhiệm vụ, nhắc nhở và chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn, các hướng dẫn viên nơi đây nhanh chóng tỏa về Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long để theo những con tàu rời bến đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long.
Nối gót theo họ, 7 rưỡi sáng một ngày đầu tháng 7 vừa qua, chúng tôi cũng vội vã theo chị Nguyễn Phương Thoa, một trong số 22 hướng dẫn viên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long lên chuyến tàu sớm đưa khách đi thăm Vịnh Hạ Long. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đoàn khách này là của một doanh nghiệp đứng chân tại ngoại thành Hà Nội. Đồng hành với đoàn ngay từ đầu là anh Kiều Văn Giới, hướng dẫn viên tuyến của Công ty Du lịch lữ hành Sen Việt (Hà Nội). Đến với Vịnh Hạ Long, anh bắt đầu chuyển giao phần giới thiệu về di sản này cho du khách sang chị Thoa, hướng dẫn viên tại đây.
“Truyền lửa” cho du khách
Chia sẻ với chúng tôi, chị Thoa cho hay: 17 năm làm nghề, mỗi ngày đều theo chân những đoàn khách nên cơ bản tài liệu, kiến thức cần giới thiệu thì chúng tôi đã nằm lòng rồi. Tuy vậy, mỗi khi nhận giới thiệu cho đoàn khách nào, tôi đều hỏi thêm thông tin về đoàn, như khách đến từ đâu, độ tuổi nào và một số những điểm đặc biệt khác, từ đó có bài thuyết minh cho phù hợp, để khách có thể hiểu được về vẻ đẹp, các hang động của Vịnh Hạ Long một cách tốt nhất. Các thông tin về mặt khoa học hay giá trị của Vịnh Hạ Long phải làm sao để chuyển tải tới khách theo cách dễ hiểu nhất, để họ có thể tiếp cận và cảm nhận Vịnh Hạ Long theo cách riêng của họ qua bài giới thiệu của mình.
Quá trình làm nghề, những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy dần lên cũng giúp chị nhanh nhạy hơn khi tìm hiểu, phát hiện được nhu cầu của du khách để đáp ứng tốt hơn về thông tin, tránh sự nhàm chán cho khách.
Chị Thoa chia sẻ: Khi giao tiếp, bắt chuyện với khách lúc ban đầu cần tinh ý, nhạy cảm một chút để cảm nhận được tâm lý, nhu cầu của đoàn. Tính chất công việc của khách cũng quyết định một phần nhu cầu thông tin của khách. Nắm bắt điều ấy để mình hướng họ theo câu chuyện truyền thuyết hay theo khoa học nhiều hơn, nếu đoàn khách họ thích khoa học thì mình sẽ hướng theo đó, còn những đoàn khách trẻ, thích sự vui nhộn thì mình sẽ hướng theo truyền thuyết, kể nhiều hơn về những câu chuyện lưu truyền về Vịnh Hạ Long. Cơ bản là các thông tin được lồng ghép một cách nhuần nhuyễn để du khách có thể cảm nhận theo những cách khác nhau, để họ thấy hài lòng và hợp lý nhất.
Theo chân du khách qua từng tuyến điểm, từ hòn Chó đá, Đỉnh Hương, Trống Mái cho tới các hang động như Thiên Cung, Đầu Gỗ, chị Thoa có sự linh hoạt khi giới thiệu cho khách, cộng với hàm lượng kiến thức khá sâu đã giúp du khách có sự cảm nhận khá trọn vẹn, đầy đủ về di sản.
Nhìn qua công việc của chị khá đơn giản nhưng để gắn bó lâu năm với nghề cũng không dễ dàng. Để theo nghề, các hướng dẫn viên trên Vịnh Hạ Long trước hết phải học qua các chuyên ngành về văn hoá, lịch sử, du lịch. Họ cũng cần biết ít nhất một ngoại ngữ, phổ biến nhất là tiếng Anh, tiếng Trung, đây là những thứ tiếng phù hợp với đa số du khách nước ngoài khi đến với Vịnh Hạ Long. Tất cả đều phải có thẻ hướng dẫn viên do Sở Du lịch cấp.
Nói về chuyện “bếp núc” của nghề, chị Đỗ Thị Nhàn phân tích: Khi đoàn chưa xuất bến thì chúng tôi phải chuẩn bị về chuyên môn. Căn cứ vào lịch trình, số điện thoại của tàu, đoàn khách mà có sự chuẩn bị tài liệu cho phù hợp. Có tàu rất đông khách, có tàu là khách charter (khách đoàn, thuê chuyến), lại có tàu là khách ghép, rồi lịch trình của mỗi đoàn cũng khác, như tham quan tuyến 2 chẳng hạn nhưng có đoàn đi hang Luồn, có đoàn lại không… Hướng dẫn viên phải chủ động tìm hiểu qua các nhà tàu để biết cụ thể những thông tin này, từ đó có sự chuẩn bị về tài liệu phù hợp trong quá trình giới thiệu tới đoàn.
Cùng với nghiệp vụ, hướng dẫn viên cũng cần có những kỹ năng mềm trong giao tiếp ứng xử luôn cởi mở, chân thành, chu đáo với khách, năng khiếu văn nghệ như ca hát, đọc thơ, kể chuyện… Chị Nhàn chia sẻ, có thêm những “tài lẻ” này, ở những tour đi kéo dài tới 6 tiếng, ngoài những lúc giới thiệu thông tin, khách chụp ảnh, giao lưu thì trên đường về sẽ có nhiều thời gian trống, nếu hướng dẫn viên biết hát, gợi mở cho du khách, nhất là với những đoàn khách trẻ, thì sẽ tăng thêm sự thu hút với khách, cũng là nét riêng, nổi trội hơn các bạn khác.
Được - mất với nghề
Những hướng dẫn viên tại điểm như chị Nhàn, chị Thoa dù công việc phải di chuyển thường xuyên nhưng vẫn có sự ổn định về thời gian, có thể sáng đi tối về. Còn ngược lại, với hướng dẫn viên tuyến như Kiều Văn Giới thì có thể “đi không giới hạn”, khi hành trình của khách là khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Dù vậy, theo chia sẻ của anh thì vào mùa hè năm nay có tới 50% lượng khách của công ty về Hạ Long, nên anh cũng thường xuyên được đến với di sản này. Sự thuận lợi về giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tốt, cách đối đãi chu đáo với hướng dẫn viên của các đơn vị kinh doanh dịch vụ cũng là những yếu tố khiến nhiều hướng dẫn viên như anh mong muốn đưa khách về Quảng Ninh.
Công việc của một hướng dẫn viên tuyến như anh Giới xem ra “bận như con mọn”, lại đòi hỏi sự vui vẻ, cởi mở cũng như có thể lực tốt, chịu được áp lực công việc cao. Anh chia sẻ, chuyến đi này sẽ đồng hành với khách trong 3 ngày tại Quảng Ninh. Quá trình đi, hướng dẫn viên phải chăm lo cho khách từ những việc rất nhỏ. Về phòng ốc chẳng hạn, sau khi khách về phòng, kiểm tra phòng, ổn định rồi thì mình mới được nghỉ ngơi. Còn nếu khách phản ánh thiếu đồ dùng chẳng hạn thì hướng dẫn viên ngay lập tức lại cùng với nhân viên khách sạn bổ sung cho khách. Quá trình đi đoàn, có bất cứ vấn đề gì phát sinh thì chúng tôi cũng đồng hành xử lý với khách…
Thời gian của hướng dẫn viên luôn tuỳ thuộc hành trình của khách, việc đi dài ngày hay dậy sớm, thức khuya, về nhà rất trễ là không tránh khỏi. Anh bảo, với đoàn hôm nay di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long thì thông thường sẽ kết thúc vào lúc 5h chiều sau khi trả khách ở Hà Nội, về nhà rồi hôm sau có thể lại phải đi sớm. Còn nếu như khách ở xa, tới sân bay Nội Bài lúc 3h sáng chẳng hạn thì hướng dẫn viên sẽ phải tới sớm hơn ít nhất 30 phút để đón khách.
Với hướng dẫn viên mà có gia đình rồi thì sẽ mắc một chút về con cái, có lúc chúng tôi xuất phát con chưa dậy mà khi chúng tôi về tới nhà thì con lại ngủ rồi. Chính vì sự di chuyển thường xuyên và giờ giấc không cố định như vậy nên anh bảo, thử thách lớn nhất để gắn bó với nghề chính là điều kiện về gia đình. Họ có sức trẻ, có đam mê, có nhiệt huyết là chưa đủ mà còn cần có sự ủng hộ của hậu phương…
Công việc nào cũng có những được - mất riêng. Với nghề hướng dẫn viên, được đi đây, đi đó, được trải nghiệm văn hoá, thưởng thức ẩm thực các vùng, miền cũng như gặp gỡ, giao tiếp nhiều người để tích luỹ thêm vốn sống cho mình với Kiều Văn Giới là một niềm vui của nghề. Chẳng thế mà dù công việc áp lực nhưng Giới vẫn say mê, đầy nhiệt tình, ngoài những lúc lo cho đoàn, anh vẫn vui vẻ dành thời gian để giao lưu với khách như chuyến đi trên Vịnh Hạ Long cùng chúng tôi.
Hay như với chị Thoa, chị Nhàn đều đã gắn bó lâu năm với công việc hướng dẫn viên trên Vịnh Hạ Long thì niềm hạnh phúc khi được làm đúng nghề, lại được công tác ở một điểm du lịch, di sản nổi tiếng của quê hương, được chia sẻ, lan toả các giá trị của Vịnh Hạ Long tới du khách và ngược lại nhận được sự chia sẻ của du khách về những vùng đất mới xa xôi, càng tạo cho họ niềm hứng khởi lớn hơn. Chính vì thế, những khó khăn khi tác nghiệp trong môi trường biển đảo, việc mất tiếng hay khản giọng rồi việc nói nhiều trở thành thói quen… vẫn không thể cản trở tình yêu, sự tâm huyết với nghề luôn bền bỉ trong mỗi người...
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()