Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:23 (GMT +7)
Chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Thứ 5, 30/12/2021 | 11:06:18 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có 40.092 cơ sở chăn nuôi. Nhằm đảm bảo ATTP, hạn chế tối đa nguy hại đến sức khỏe con người, phát triển bền vững, thời gian qua, việc chống dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi đang được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 200 hộ buôn bán thức ăn chăn nuôi và 120 cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Nhằm hạn chế lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Theo đó, các đợt kiểm tra tập trung vào các nội dung như: Điều kiện sản xuất kinh doanh, điều kiện bảo quản, quy định sử dụng thuốc...
Song song với đó, các sở, ngành và địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tờ rơi, pa nô, áp phích, hội thảo, tập huấn, phóng sự... nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y trong chăn nuôi đảm bảo theo quy định. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật, thủy sản nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức cho các cơ sở ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học tại thôn Hà Tranh, xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả). Theo đó, 16 hộ dân tham gia dự án đã được cấp phát 32 con giống; thức ăn hỗn hợp cho lợn và các loại vắc-xin, hóa chất sát trùng chuồng trại; hỗ trợ tư vấn, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi (bể biogas composite). Dự án là giải pháp mới để thúc đẩy chăn nuôi theo hướng bền vững, chú trọng sử dụng chế phẩm sinh học, thay đổi tư duy sản xuất của hộ dân.
Toàn tỉnh hiện chỉ có 240 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận kinh tế trang trại và 24 hợp tác xã chăn nuôi. Hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều sử dụng thức ăn công nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, hàm lượng chất dinh dưỡng đảm bảo. Tuy nhiên, toàn tỉnh có tới 39.848 cơ sở chăn nuôi nông hộ, chiếm 97% tổng số cơ sở và chiếm 70% tổng đàn. Việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y tại các cơ sở chăn nuôi nông hộ lại gặp nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát, nên nguy cơ lạm dụng kháng sinh là rất lớn. Do đó, tỉnh cũng khuyến khích chăn nuôi theo hướng tập trung. Trên cơ sở rà soát, Sở NN&PTNT đang xây dựng quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh...
Xác định vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy chăn nuôi tập trung, góp phần chống lạm dụng kháng sinh, hướng tới chăn nuôi an toàn, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này như: Khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ... Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, GPMB... triển khai dự án chăn nuôi tập trung, ứng dụng KHCN, đảm bảo ATTP.
Giữa tháng 11 vừa qua, Công ty CP Chăn nuôi Greentech đã khởi công dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Greentech tại xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà). Mục tiêu cụ thể giai đoạn 1 của dự án là xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích 32,8ha với vùng đệm an toàn 62,2ha, phát triển đàn lợn nái với số lượng 2.400 con nái/lứa và đạt 2,2 lứa/năm, tương đương 63.000 con lợn giống; từ đó phát triển được đàn lợn thịt sạch với khoảng 6,3 triệu kg thịt hơi. Công nghệ chuồng hầm được thiết kế theo hướng công nghiệp, tính tự động hóa cao. Dự án tạo việc làm cho 90-100 lao động tại địa phương, được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật chăn nuôi. Đây là mô hình chăn nuôi công nghiệp, khép kín, chủ động từ khâu sản xuất giống đến khâu chăn nuôi thành lợn thương phẩm, tạo ra các sản phẩm cho thị trường với chất lượng cao.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()