Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 17:31 (GMT +7)
Chủ động các phương án thi tốt nghiệp THPT
Thứ 4, 23/06/2021 | 15:02:33 [GMT +7] A A
Còn khoảng hai tuần nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Do dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) quyết định tổ chức kỳ thi thành hai đợt (đợt 1 diễn ra vào ngày 7 và 8-7; đợt 2 sẽ tổ chức cho các thí sinh không thể dự thi đợt 1). Đến nay, các địa phương đã chuẩn bị chu đáo điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng các phương án dự phòng; tăng cường tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức cho học sinh.
Bổ sung kiến thức, kỹ năng làm bài cho học sinh
Những ngày này, thời tiết nắng nóng gay gắt, nhưng các trường THPT ở tỉnh Thái Bình vẫn duy trì các lớp ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh trong giai đoạn “nước rút”. Thầy giáo Đỗ Văn Sao, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đông Quan (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, đã quán triệt, động viên đội ngũ giáo viên tăng cường dạy học, ôn tập cho học sinh. Học sinh khối 12 ôn tập vào các buổi sáng, học trên truyền hình vào buổi chiều. Để đạt hiệu quả, trường đã sắp xếp các lớp ôn tập theo nguyện vọng và năng lực học sinh; điều chỉnh số tiết phù hợp tình hình thực tế; kết hợp ôn tập trực tiếp và trực tuyến đến ngày 30-6.
Theo cô giáo Vũ Thị Huyền, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Nam Đông Quan, học sinh đã hoàn thành kiến thức cơ bản, tiếp tục được bổ sung kiến thức nâng cao và kỹ năng làm bài. Thầy giáo Nguyễn Xuân Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình cho rằng, do là trường ở khu vực trung tâm, cho nên yêu cầu về ôn tập cũng cao hơn các trường khác. Đây là thời điểm giáo viên hệ thống lại kiến thức, giúp học sinh khá, giỏi đạt điểm cao, tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học tốp trên, học sinh trung bình có thể đỗ trường đại học tốp dưới.
Tại Đà Nẵng, đến thời điểm này, hầu hết các trường THPT vẫn tiếp tục tổ chức ôn thi “nước rút” theo hình thức trực tuyến. Cá biệt, việc ôn tập cho học sinh tại Trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) không thể theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến, mà giáo viên phải gọi điện nhắc nhở từng học sinh ôn bài.
Cô giáo Hà Thị Huyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 12/11 cho biết, trường có 21 học sinh là con em đồng bào Cơ Tu, do dịch bệnh phức tạp, các em không trở lại khu nội trú để tiếp tục ôn tập theo kế hoạch của trường. Do điều kiện khó khăn, hầu hết các em đều không có máy tính, không có điện thoại kết nối mạng để học, cho nên cô phải trực tiếp gọi điện thoại để động viên, nhắc nhở các em ôn bài; việc ôn tập sẽ kết thúc sát ngày diễn ra kỳ thi. Trong khi đó, tại Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà), các tổ chuyên môn đã soạn đề ôn thi rồi gửi lên trang web của trường, hướng dẫn học sinh tải về ôn tập.
Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi hiệu quả trong giai đoạn “nước rút”, nhiều học sinh cho biết, thời điểm này không nên thức quá khuya, nên ngủ sớm và thức dậy sớm. Học sinh Nguyễn Thị Thu Cúc, lớp 12 A12, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ, để nhớ kỹ các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân hay Ngữ văn thì hãy ngủ sớm và thức dậy sớm, lúc đó sẽ giúp học thuộc bài nhanh hơn. Còn nếu các bạn đang lo lắng về Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học hãy cố gắng thử làm lại những câu sai nhiều hơn để rút kinh nghiệm.
Học sinh Đặng Trung Kiên, lớp 12 A1, Trường THPT Nam Đông Quan cho rằng, kinh nghiệm ôn tập thời điểm “nước rút” là những phần nào chưa hiểu thì hỏi ngay thầy giáo, cô giáo tại trường; ở nhà cần tranh thủ tự học, luyện đề thi và dành thời gian nghỉ ngơi. Kiên cũng như nhiều học sinh mong muốn, đề thi chính thức trong kỳ thi sắp tới cần bảo đảm có sự phân hóa để đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp và là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh.
Các địa phương cũng chú trọng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, quán triệt quy chế thi, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức khảo sát học sinh để điều chỉnh kế hoạch ôn tập. Qua đó phần lớn học sinh đã nắm vững quy chế thi, một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Thái Bình Trần Thị Bích Vân cho biết, Sở vừa tổ chức đợt thi khảo sát cho học sinh khối 12.
Kỳ thi được tổ chức như kỳ thi thật, mục đích giúp thí sinh, cán bộ, giáo viên được làm quen, từ đó điều chỉnh cách ôn tập cũng như cách coi thi, chấm thi đáp ứng yêu cầu của kỳ thi sắp tới. Trong khi đó, ngành giáo dục Lào Cai tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, động viên giáo viên, học sinh khối 12 tập trung ôn tập, tăng cường giáo viên ở các trường khác đến giúp đỡ giáo viên, học sinh ở các trường khó khăn.
Xây dựng phương án dự phòng
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD và ĐT đã quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 cho các thí sinh không thể dự thi đợt 1. Đến nay, các địa phương cơ bản chuẩn bị chu đáo cho đợt thi vào các ngày 7 và 8-7 cho các thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa, hoặc cách ly xã hội và các thí sinh không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2. Trong đó, chú trọng các phương án dự phòng để bảo đảm phòng, chống dịch tốt nhất.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình cho biết, trường là điểm thi lớn nhất của tỉnh Thái Bình, ngoài học sinh của trường còn có học sinh của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của TP Thái Bình, với tổng số 967 học sinh, tương đương 41 phòng chính thức và sáu phòng chờ. Trường thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, giáo viên và học sinh từ nay đến lúc thi không đi hoặc hạn chế ra khỏi địa phương, nếu đi phải được lãnh đạo trường cho phép.
Năm nay, tất cả các phòng thi đều được phun khử khuẩn trước kỳ thi, được trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, xà-phòng, khẩu trang y tế… Năm 2020, trường đã chuẩn bị và thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch, nhưng năm nay có thêm điều mới là chuẩn bị phòng dự phòng, chuẩn bị sáu bộ quần áo phòng hộ Covid-19, nếu phát hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì chuyển học sinh và cán bộ coi thi sang phòng đó.
Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Thái Bình Trần Thị Bích Vân cho biết, toàn tỉnh tổ chức 35 điểm thi với 1.005 phòng, 96 phòng chờ và 35 phòng thi dự phòng. Theo kế hoạch, trước cửa mỗi phòng thi có nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, khăn giấy. Tất cả thí sinh đều được đo thân nhiệt trước khi vào phòng. Mỗi điểm thi bố trí thêm từ một đến hai phòng thi dự phòng; mỗi huyện, thành phố bố trí thêm từ một đến hai điểm thi dự phòng đặt tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường THCS.
Sở GD và ĐT Thái Bình đã đề nghị UBND tỉnh bố trí thêm kinh phí cho các nhiệm vụ phục vụ kỳ thi như: Bảo dưỡng, sửa chữa, thay ổ cứng camera, lắp thêm camera, điện thoại bàn ở các phòng làm thi, khu vực chấm thi; phun khử khuẩn các điểm thi, trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang, thiết bị y tế… Đến nay, Sở đã có hướng dẫn thống nhất toàn tỉnh về việc tổ chức kỳ thi trong tình hình có dịch.
Sở GD và ĐT thành phố Đà Nẵng yêu cầu tất cả thí sinh, cán bộ, giáo viên được điều động, phân công tham gia phục vụ kỳ thi theo dõi sức khỏe hằng ngày, không di chuyển đến các vùng có dịch. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 Lê Trung Chinh cho biết, địa phương có phương án xử lý các tình huống bất thường; đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả thí sinh, cán bộ, giáo viên và các lực lượng tham gia công tác tại kỳ thi nhằm sàng lọc kịp thời các đối tượng có nguy cơ; giao Sở GD và ĐT xây dựng phương án dự phòng để tổ chức kỳ thi an toàn trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Giám đốc Sở GD và ĐT Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho biết, đến ngày 20-6, sau khi Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19 trở lại, ngành giáo dục đang rà soát lại số lượng học sinh lớp 12.
Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có các ca nhiễm liên quan các thí sinh, Đà Nẵng sẽ có phương án tổ chức thi phù hợp, bảo đảm an toàn.
Do học sinh nhiều tỉnh, thành phố phải học, ôn tập trực tuyến, khiến các địa phương, nhà trường và học sinh không khỏi băn khoăn về độ khó của đề thi năm nay. PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT) cho biết, công tác đề thi luôn được Bộ GD và ĐT đặc biệt quan tâm và đã tích cực chuẩn bị một cách chủ động, nhất là xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ công tác ra đề thi. Năm nay, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 sẽ không được đưa vào đề thi. Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản; đồng thời, cũng có số lượng hợp lý câu hỏi khó để phân hóa kết quả (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10).
Để thí sinh thuận lợi khi làm bài, các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó. Thí sinh lưu ý là trong một phòng thi, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng. Bộ GD và ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo, các trường phân tích kỹ đề thi để có thể định hướng ôn tập cho học sinh. Đề thi trước hết phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương. Nếu kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy thì các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp yên tâm sử dụng làm cơ sở để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ với các phương thức khác nhau. Vì vậy, thí sinh có thể yên tâm, bình tĩnh bởi Bộ GD và ĐT sẽ cùng các địa phương có những giải pháp tốt nhất để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho các thí sinh. Các em cần tập trung giữ gìn sức khỏe, nỗ lực ôn tập để có được kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()