Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:20 (GMT +7)
“Chủ động giám sát, phòng bệnh đậu mùa khỉ”
Thứ 2, 01/08/2022 | 10:18:34 [GMT +7] A A
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta rất lớn. Ngành Y tế Quảng Ninh đang tăng cường các biện pháp giám sát, phòng dịch bệnh này. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Vũ Quyết Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh (ảnh).
- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo dịch đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới. Bác sĩ có thể cho biết thêm thông tin về dịch bệnh này?
+ Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958. Trường hợp mắc bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Công-gô. Theo WHO, trong đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ gần đây, từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến ngày 29/7/2022 đã ghi nhận hơn 22.485 ca mắc tại 79 nước, phần lớn là ở châu Âu. WHO dự báo bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục gia tăng số ca mắc thời gian tới.
Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày; bệnh khởi phát từ 1-5 ngày với triệu chứng chính là sốt và sưng hạch ngoại vi; sau đó xuất hiện ban trên da mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể ở mặt, cơ quan sinh dục... Thông thường bệnh có thể kéo dài 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi; tuy nhiên các vết sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Bệnh có thể lây từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch tiết cơ thể, quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng là nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. Phụ nữ có thai, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng, tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
- Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương về tăng cường giám sát phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ngành Y tế Quảng Ninh đã có kế hoạch thực hiện chỉ đạo này như thế nào, thưa bác sĩ?
+ Tại Việt Nam đến nay chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, song ngành Y tế đã triển khai các giải pháp ứng phó từ sớm. Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong, Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Sở Y tế Quảng Ninh đã triển khai các hướng dẫn này cho các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, giao cho CDC Quảng Ninh làm đầu mối để chỉ đạo, thực hiện giám sát, lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) khi có chỉ định. Các cơ sở y tế cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là tuyên truyền để người dân biết dấu hiệu và các nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là những người có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch.
- Bác sĩ có thể đưa ra những khuyến cáo đối với người dân về phòng bệnh đậu mùa khỉ?
+ Ngày 29/7/2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2099/QĐ-BYT 'Về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người". Theo Hướng dẫn này, các trường hợp nghi ngờ/xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ được cách ly tại cơ sở y tế.
Việc điều trị được chia thành 2 thể. Thể nhẹ, điều trị triệu chứng là chủ yếu (hạ sốt, giảm đau; chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải, theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng (nếu có), phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định). Thể nặng, cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo phác đồ đã ban hành.
Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây nhiễm đậu mùa khỉ, trong đó các biện pháp: Tránh tiếp xúc với người/động vật có vú có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ); tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm virus đậu mùa khỉ, như khăn trải giường, quần áo người bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/động vật nghi ngờ nhiễm bệnh. Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Không nên ăn, tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật bị nhiễm bệnh. Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh. Thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các quy định để có biện pháp xử trí phù hợp.
- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Thanh
- Ấn Độ ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ
- Mỹ: Bệnh đậu mùa khỉ lây lan, New York ban bố tình trạng khẩn cấp
- Chủng virus đậu mùa khỉ ở Ấn Độ khác với chủng ở châu Âu
- Philippines ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ
- Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người
Liên kết website
Ý kiến ()