Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:25 (GMT +7)
Chủ động kiểm soát chất lượng môi trường
Thứ 6, 21/07/2023 | 14:36:55 [GMT +7] A A
Trước yêu cầu của sự phát triển và thách thức đặt ra đối với biến đổi khí hậu, ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030". Bám sát các chỉ tiêu Nghị quyết, tỉnh quan tâm dành nguồn lực và huy động đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về môi trường cũng như hệ thống quan trắc tự động tại những khu vực, địa điểm, đơn vị sản xuất, kinh doanh thường xuyên có hoạt động phát thải ra môi trường.
Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư và tăng cường công tác quản lý, vận hành ổn định hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động. Đến nay, cơ bản các chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động (QTMTTĐ) theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã thực hiện lắp đặt, vận hành và truyền số liệu về tỉnh để theo dõi, giám sát. Tính đến tháng 8/2022, trên địa bàn tỉnh có 162 trạm QTMTTĐ được đầu tư, đi vào hoạt động. Trong đó, có 7 trạm giám sát chất lượng môi trường nước biển ven bờ, 5 trạm giám sát chất lượng nước mặt, 16 trạm giám sát chất lượng không khí xung quanh, 47 trạm giám sát hoạt động xả khí thải, 84 trạm quan trắc giám sát nước thải... Tỉnh cũng đã ban hành Quy chế quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động, đồng thời chỉ đạo tổ chức chuyển tải liên tục, trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ TN&MT, UBND các địa phương và công khai thông tin môi trường cho người dân nắm bắt.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo thực hiện các chương trình quan trắc môi trường định kỳ trên phạm vi 13 địa phương trong tỉnh với 382 vị trí quan trắc. Trong đó, có 62 vị trí quan trắc định kỳ môi trường không khí, tiếng ổn, độ rung; 124 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước mặt lục địa; 8 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước dưới đất; 99 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước biển ven bờ... Theo kết quả quan trắc môi trường trong 5 năm qua của tỉnh, các thông số môi trường cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Cùng với các nhiệm vụ trên, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm soát ô nhiễm và quy hoạch, xây dựng mới các khu, CCN, trong đó tỉnh chỉ đạo rà soát, thay đổi phương pháp thu hút đầu tư các dự án thứ cấp trong KCN theo hướng tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tuyệt đối không thu hút dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 KCN (Đông Mai, Việt Hưng, Hải Yên, Cái Lân, Texhong Hải Hà, Sông Khoai); 4 CCN (Hà Khánh, Nam Sơn, Cẩm Thịnh, Hoành Bồ) cơ bản đảm bảo hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và có thiết kế mạng lưới thu gom, hệ thống xử lý nước thải theo quy định, có quy hoạch diện tích cây xanh tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích toàn bộ KCN. Song song với đó, tỉnh đang triển khai các dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại TP Hạ Long và TP Móng Cái. Tính đến nay, Hạ Long có 5 trạm xử lý nước thải đang hoạt động, công suất xử lý khoảng 14.276m3/ngày, đêm, xử lý khoảng 45% nước thải sinh hoạt trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Hiện giai đoạn 2 Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long đang được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải phần còn lại bằng nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của cơ quan hợp tác Nhật Bản (JICA) trên 2.500 tỷ đồng.
Còn tại TP Móng Cái triển khai Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thuộc dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 2, sử dụng vốn vay ADB, tổng mức đầu tư 861 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2021, định hướng đến năm 2025, trong đó tiếp tục xúc tiến đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu vực đô thị tập trung tại: Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí...
Đồng thời, xây dựng và triển khai các dự án đầu tư thu gom, xử lý rác thải, hệ thống tiêu thoát nước, nghĩa trang, ao hồ sinh thái khu vực nông thôn. Điển hình đó là: Công trình xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt của các xã, phường trên địa bàn TX Quảng Yên; công trình các điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt tại các xã Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn); khu xử lý chất thải rắn Khe Giang, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí)...
Công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn trên địa bàn được quan tâm. Đến nay, tỉnh có 96 trạm, điểm quan trắc khí tượng thủy văn. Tỉnh còn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh, xây dựng trạm khí tượng hải văn Cửa Đối để phục vụ cảnh báo vùng Vân Đồn - Cô Tô...
Hiện nay có nhiều đơn vị, như ngành Than, thủy lợi đã đầu tư xây dựng các trạm chuyên dùng để phục vụ cho công tác cảnh báo, dự báo phục vụ sản xuất của các cơ sở; đồng thời xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp tại 9 hồ đập, hồ chứa nước thủy lợi...
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các đơn vị trong đầu tư các thiết bị bảo vệ môi trường, đã giúp cho công tác kiểm soát mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng tốt hơn; góp phần nâng cao môi trường sống, tạo thuận lợi cho các ngành du lịch, dịch vụ phát triển bền vững.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()