Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 18:19 (GMT +7)
Chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát
Thứ 4, 26/05/2021 | 08:31:26 [GMT +7] A A
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 20/4/2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã tái phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 15/5/2021, bệnh dịch đã xảy ra tại 54 hộ, thuộc 24 thôn, khu của 15 xã, phường thuộc 3 địa phương là Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, trong đó các xã, phường thuộc TP Hạ Long là Hòa Bình, Sơn Dương, Tân Dân, Quảng La, Kỳ Thượng, Bằng Cả, Đồng Lâm, Đại Yên, Thống Nhất, Lê Lợi, Vũ Oai, Đồng Sơn; các xã thuộc huyện Vân Đồn là Đông Xá, Vạn Yên; xã thuộc TP Cẩm Phả là Dương Huy. Tổng số lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy ở các địa phương này là 340 con, trọng lượng 12.223kg.
Do hiện nay thời tiết đang thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhiễm, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả, nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan là rất cao. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi lợn của tỉnh. Vì vậy, để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch phát sinh, tập trung chỉ đạo phòng, chống DTLCP tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh, mới đây, ngày 18/5, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tập trung kiểm soát bệnh DTLCP tái phát, lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh; tránh tình trạng chủ quan, lơ là, để dịch bệnh lây lan khó kiểm soát. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn cho người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động giám sát đàn lợn có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Rà soát tổng đàn lợn của địa phương, triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan. Các huyện Bình Liêu, Hải Hà và TP Móng Cái tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp qua biên giới.
Đối với các khu vực có dịch tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP, hoặc lợn trong cùng địa bàn cấp thôn có biểu hiện lâm sàng của bệnh (đã có kết quả xét nghiệm dương tính); thực hiện công bố dịch và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống bệnh DTLCP, đặc biệt là công tác giám sát dịch bệnh, công tác quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và các biện pháp xử lý ổ dịch; thành lập các đoàn công tác, đội phản ứng nhanh để kiểm tra, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện. Tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh DTLCP trong tỉnh để phát hiện sớm, cảnh báo và kịp thời tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Thực tế thời gian qua cho thấy, sự lơ là, chủ quan, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh DTLCP nói riêng của người chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển lợn là một trong những nguyên nhân căn bản làm bùng phát, tái phát dịch bệnh trên địa bàn. Hệ lụy là đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi lợn, số lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh lớn, dẫn đến suy giảm đàn lợn, mất cân đối cung- cầu, tạo cơ hội cho người kinh doanh đẩy giá thịt lợn lên cao trên thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Thực tế này buộc ngành chức năng phải nhập khẩu thịt lợn để bình ổn giá cả và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân. Đó là chưa kể đến những thiệt hại trực tiếp về kinh tế đối với các hộ chăn nuôi khi đàn lợn nuôi buộc phải tiêu hủy do nhiễm bệnh. Tuy được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh, nhưng cũng khó bù đắp những thiệt hại thực tế do dịch bệnh gây ra.
Vì vậy, để phòng chống dịch tốt, đạt hiệu quả lâu dài, các hộ chăn nuôi và người kinh doanh thịt lợn cần phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, coi nhẹ công tác này. Có như vậy mới không tạo cơ hội để dịch bệnh tái phát, đảm bảo an toàn dịch bệnh vững chắc. Cùng với đó thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành nông nghiệp trong việc thực hiện chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, chú trọng vệ sinh môi trường nuôi, thực hiện thường xuyên việc tiêu độc khử trùng ở các cơ sở chăn nuôi, thực hiện nghiêm quy định của Luật Thú y để đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()