Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 01:48 (GMT +7)
Chủ động kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm
Thứ 3, 10/12/2013 | 06:38:59 [GMT +7] A A
Các vụ ngộ độc rượu (loại rượu có nhãn mác “Rượu nếp 29 Hà Nội”, lô sản xuất ngày 12-10-2013) vừa xảy ra trên địa bàn đã gây tử vong tức thì cho 6 người và gần 10 người nữa bị ảnh hưởng sức khoẻ. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, cơ quan bảo vệ pháp luật đã khẩn cấp triển khai các biện pháp ngăn chặn, thu giữ, điều tra, cảnh báo để không tái diễn các vụ tương tự và xác định nguyên nhân. Vì vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn, loại rượu độc này đã cơ bản được loại khỏi thị trường, cơ sở kinh doanh. Người tiêu dùng cũng có ý thức cảnh giác hơn trong sử dụng rượu. Đây là biện pháp xử lý hết sức cần thiết khi sản phẩm rượu này liên quan trực tiếp đến tính mạng con người...
Liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều người bên cạnh việc đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương, ráo riết của các cơ quan chức năng trong vụ việc này, nhưng cũng không khỏi băn khoăn, lo ngại đối với các loại thực phẩm khác cũng có chứa hoá chất độc hại, không đảm bảo chất lượng thì lại không được ngăn chặn, xử lý quyết liệt như vậy. Nỗi lo này của nhiều người là có cơ sở. Bởi lẽ, với chúng ta lâu nay, thường khi nào sự việc xảy ra nghiêm trọng, gây hậu quả tức thời, như vụ ngộ độc rượu vừa qua thì các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, ngăn chặn ngay. Còn với những loại thực phẩm mặc dù có chứa chất độc hại, nhưng nó thâm nhập âm ỉ, từ từ vào cơ thể con người qua ngày này tháng khác thì chưa thực sự được chú ý giải quyết, ngăn chặn. Ai cũng thừa nhận hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm, rau quả không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ mớ rau được phun thuốc tăng trưởng, con cá, cân thịt có thuốc tăng trọng đến các loại hoa quả được ngâm tẩm hoá chất... nhưng có mấy khi được kiểm tra, ngăn chặn, thu giữ một cách thường xuyên, nhanh chóng. Chúng ta có cơ quan chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng thử hỏi trong một năm đã phát hiện được bao nhiêu vụ việc vi phạm; cảnh báo cho người tiêu dùng được bao nhiêu lần; kiến nghị thu hồi được bao nhiêu sản phẩm... Chính bởi vậy mà hiện nay không người nào dám quả quyết rằng mâm cơm nhà mình an toàn tuyệt đối.
Chúng ta không đòi hỏi những kết quả giải quyết tuyệt đối, nhưng cũng không thể chấp nhận cách làm hời hợt, thiếu trách nhiệm. Cuộc sống luôn vận động, bên cạnh những yếu tố tích cực cũng nảy sinh những yếu tố tiêu cực. Bởi vậy, trách nhiệm của các ngành chức năng là tạo môi trường cho cái tốt sinh sôi nảy nở; ngăn chặn, xoá bỏ những cái xấu, để tạo ra sự phát triển lành mạnh. Vì vậy, bài học cần rút ra từ các vụ ngộ độc rượu vừa qua là phải luôn chủ động, tích cực, trách nhiệm trong kiểm tra, kiểm soát các loại thực phẩm trên thị trường; cảnh báo, loại bỏ ngay những sản phẩm có nguy cơ gây ngộ độc, để bảo vệ an toàn sức khoẻ cho người sử dụng. Đừng bao giờ để bị động, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, như với vụ việc ngộ độc rượu vừa qua...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()