Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:42 (GMT +7)
Chủ động, linh hoạt ứng phó với thiên tai
Thứ 5, 13/04/2023 | 15:00:32 [GMT +7] A A
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh mặc dù thiên tai không diễn ra dồn dập nhưng vẫn tiềm ẩn tính chất bất thường. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở và sự chủ động chuẩn bị về phương án ứng phó, lực lượng, thông tin tuyên truyền đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, thời gian qua, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình hình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong công tác phòng, chống thiên tai. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, sát diễn biến thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ huy, điều hành ứng phó thiên tai. Các bản tin dự báo, cảnh báo đã được truyền tải đến các cấp chính quyền và người dân bằng nhiều hình thức nên các cấp chính quyền và hầu hết người dân đã tiếp nhận kịp thời, đầy đủ thông tin về thiên tai để chủ động ứng phó.
Chủ động trong chỉ đạo ứng phó và khắc phục rủi ro thiên tai, qua theo dõi thường xuyên diễn biến thiên tai trên địa bàn để thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và ban hành các chỉ đạo kịp thời, sát tình hình thực tế. Tỉnh đã thành lập các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn và lãnh đạo các sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan trực tiếp xuống hiện trường nơi bị ảnh hưởng để nắm tình hình và đưa ra các chỉ đạo đảm bảo việc khắc phục thiệt hại được kịp thời và hiệu quả. Từ tỉnh đến địa phương đã huy động sự vào cuộc của người dân và cả hệ thống chính trị theo phương châm “Bốn tại chỗ”, tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả; nhanh chóng đưa người dân khu vực bị thiệt hại sớm ổn định đời sống, sản xuất.
Việc kiện toàn và phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, các ngành được tiến hành ngay từ đầu năm. Các phương án, kế hoạch PCTT & TKCN được rà soát, bổ sung để đảm bảo sát với thực tiễn của từng cơ sở, bám sát từng loại hình thiên tai... để ứng phó kịp thời. Theo đó, Sở NN&PTNT - Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của tỉnh kịp thời thông tin và tổng hợp báo cáo diễn biến thiên tai, tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ huy ban hành các chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương và người dân triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Ngành còn chủ động, phối hợp với các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn; phối hợp thực hiện tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và phối hợp củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã...
Các lực lượng vũ trang của tỉnh cũng đã xây dựng phương án hiệp đồng PCTT & TKCN trên địa bàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và vật tư thiết bị để cơ động tham gia PCTT & TKCN khi có lệnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông khi có thiên tai xảy ra....
Sở Giao thông - Vận tải thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa để có phương án sửa chữa, khắc phục. Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là việc quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển tại những khu vực có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai. Tăng cường hiệu quả khai thác, quản lý Hệ thống cơ sở dữ liệu (Trung tâm GIS vùng) và phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh.
Ngành Than chỉ đạo các đơn vị rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai; lập và ký thỏa thuận/kế hoạch hiệp đồng phối hợp với chính quyền địa phương trong xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra. Các đơn vị thành lập các tổ, đội xung kích trong ứng phó các sự cố do thiên tai, mưa bão. Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư xây dựng và gia cố 10 công trình PCTT, nạo vét, củng cố các hệ thống thoát nước trong khai trường, khắc phục sạt lở; di dời 19 hộ dân bị ảnh hưởng của khai thác than và trồng cây phủ xanh trên 205ha với tổng kinh phí khoảng 220 tỷ đồng. Tổng Công ty Đông Bắc chi 27,89 tỷ đồng mua sắm vật tư, xây dựng các công trình phục vụ ứng phó sự cố.
Các địa phương rà soát các kế hoạch, phương án PCTT; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều. Sử dụng tổng hợp các nguồn lực, thực hiện các kế hoạch liên quan đến phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn (dự án Hồ chứa nước Khe Tâm tại huyện Ba Chẽ; Cải tạo, nâng cấp kênh mương xã Dương Huy và Cộng Hòa, TP Cẩm Phả; Sửa chữa, khắc phục sự cố kênh N2B hệ thống kênh hồ Yên Lập; Nâng cấp, mở rộng hồ chứa nước C22, huyện Cô Tô; Hệ thống đương ống cấp nước hồ chứa Khe Giữa, TP Cẩm Phả; Tu bổ thường xuyên đê Hà Nam, TX Quảng Yên...)
Theo thống kê của cơ quan chức năng, thiệt hại do thiên tai năm 2022 gây ra trên địa bàn tỉnh ước khoảng 10 tỷ đồng, ảnh hưởng 1.109 hộ, không có thiệt hại về người. Các thiệt hại đã được các địa phương, đơn vị tiến hành khắc phục ngay sau thiên tai.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2023 là năm chuyển pha từ La Nina (hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương lạnh đi dị thường) sang El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương). Bởi vậy cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác. Dự báo, năm nay có khoảng 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 5 đến 6 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Tổng lượng mưa trong năm 2023 cũng được dự báo ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm. Nắng nóng ở mức nhiều và gay gắt hơn năm 2022.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai trong năm 2023, các ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục quán triệt tinh thần coi nhiệm vụ phòng chống thiên tai phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 42-CT/TW và Chương trình hành động số 39-CT/TU ngày 04/6/2020 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh; nêu cao tinh thần và trách nhiệm của người đứng đầu, lấy phương châm "Ba trước, Bốn tại chỗ" làm chủ đạo bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()