Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:34 (GMT +7)
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định cuộc sống nhân dân
Thứ 7, 27/08/2022 | 08:00:00 [GMT +7] A A
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Maon) nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa to kéo dài, mực nước ở các sông suối lên cao, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đã bị ngập lụt cục bộ, nhiều cây xanh bị đổ, nhiều tuyến đường bị sạt lở... Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Để chủ động ứng phó trước những diễn biến tiêu cực của thời tiết, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động các biện pháp phòng chống, kịp thời khắc phục hậu quả, di dời nhân dân đến nơi an toàn...
Nhiều địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, sáng 26/8, bão số 3 đã suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra mưa vừa đến mưa to. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 25/8, toàn tỉnh Quảng Ninh có mưa to đến rất to; gió phổ biến đạt cấp 4-5; lượng mưa đo được phổ biến trên 100mm, có nơi gần 300mm. Mưa to kéo dài đã khiến nhiều địa phương bị ngập sâu trong nước, hàng trăm hộ gia đình bị thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu. Cụ thể tại TP Hạ Long đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ tại các xã, phường: Trần Hưng Đạo, Cao Thắng, Hà Khánh, Hà Khẩu, Dân Chủ…; sạt lở cục bộ 10 điểm tại phường Hùng Thắng, Hà Khẩu, Hồng Hải, Bãi Cháy, Yết Kiêu, Hà Trung…; sạt lở đường nhánh dẫn lên cầu Bãi Cháy (phường Bãi Cháy); gãy đổ khoảng 50 cây xanh trên một số tuyến phố.
Đặc biệt, 14 hộ dân sống tại đồi Tên Lửa (tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) đã phải di dời khẩn cấp từ ngày 22/8 do nhà bị nghiêng, nứt, sụt lún.
Chị Trần Thị Sâm, người dân khu 3B, phường Giếng Đáy, cho biết: Gia đình tôi cùng nhiều hộ dân cư nằm sát ngay khu vực mỏ khai thác sét của Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy. Nhiều tháng qua, một số nhà đã xuất hiện hiện tượng bị sụt lún và xuất hiện nhiều vết rạn nứt. Đặc biệt, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trong ngày 25 và sáng 26/8, một số công trình phụ của gia đình đã bị đổ sập hoàn toàn. Chúng tôi đã kịp thời di chuyển đến nhà người thân, tuy nhiên vẫn còn nhà cửa và nhiều tài sản để ở lại. Hiện nay đang là mùa mưa, nguy cơ sạt lở rất cao, chúng tôi mong muốn chính quyền và công ty sớm giải quyết, khắc phục triệt để việc sụt lún để người dân chúng tôi yên tâm sinh sống.
Mưa lớn cũng gây sạt lở cục bộ ở nhiều địa phương như phường Vàng Danh, Bắc Sơn, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí); xã Việt Dân, Tràng An (TX Đông Triều); ảnh hưởng đến các kiến trúc, công trình dân dụng: Sạt lở đất tại chân cơ đê khu vực K5, đê Hà Nam (xã Cẩm La, TX Quảng Yên); gãy đổ 250 cây xanh trên các tuyến phố, đổ 31 cột điện dân cư (TP Móng Cái); gãy đổ 215 cây xanh (Cô Tô), 80 cây xanh bật gốc (Hải Hà)…
Bên cạnh đó, nhiều diện tích rau màu, gia súc, gia cầm cũng bị ngập, trôi. Các địa phương ghi nhận: Huyện Tiên Yên ngập 280ha lúa, trôi 250 con gà; TP Móng Cái ngập 20ha lúa, màu, đổ 12ha keo; huyện Cô Tô ngập 6ha lúa màu, chết 10 con lợn; huyện Hải Hà ngập 10ha rau màu, 10ha lúa; TX Đông Triều ngập 0,5ha hoa và 3ha lúa, trôi chết 31 con lợn, 2.100 gia cầm…
Các địa phương như Uông Bí, Tiên Yên, Cẩm Phả, Ba Chẽ phải di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Theo ông Mai Văn Dự, Trưởng Phòng Kinh tế TP Uông Bí, do ảnh hưởng của bão số 3, TP Uông Bí có mưa to, tính từ 0 giờ đến 7 giờ ngày 26/8, tổng lượng mưa khoảng 153mm. Mưa to gây ngập lụt nhiều khu vực, trong đó có nhiều nhà dân. Tổng số hộ dân bị ngập lụt trên 320 hộ, trong đó 38 hộ, 125 nhân khẩu bị ngập sâu đã được TP Uông Bí di dời người và tài sản đến nơi an toàn ngay trong đêm. Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt thành phố, các xã, phường và các đơn vị chức năng đã kịp thời có mặt tại các điểm ngập lụt, sạt lở, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng cứu; đồng thời bố trí nhân lực chốt chặn tại các ngầm, tràn, chăng dây cảnh báo người dân; tháo mở các cửa cống để tiêu thoát nước.
Mưa lớn cũng gây ngập cục bộ ở nhiều tuyến đường và sạt lở một số kè, đồi dọc đường khu vực Hạ Long, Tiên Yên, Cẩm Phả, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, trên một số tuyến đường bị sạt lở nhẹ taluy, đổ hàng rào đơn vị thi công, đổ gãy cây ở khu vực tiểu cảnh, ngập mặt đường, đất trôi tràn đường, lấp rãnh…
Riêng tuyến QL18 tại Km135+500 (dốc Đèo Bụt) thuộc địa bàn TP Cẩm Phả xảy ra tình trạng ngập úng mặt đường từ 1-1,5m, các phương tiện đường bộ không thể lưu thông...
Khắc phục nhanh sự cố, ổn định cuộc sống người dân
Trước tình trạng trên, các sở, ngành, địa phương liên quan đã chủ động rà soát tình hình, nhanh chóng huy động lực lượng di dời người dân đến nơi an toàn, tổ chức khắc phục hậu quả mưa bão, thông các cống rãnh để nước thoát nhanh, đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục các điểm sạt lở, tránh ách tắc giao thông.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Cẩm Phả, ảnh hưởng của bão số 3 khiến lượng mưa trên địa bàn thành phố lên tới 300,2mm. Một số nơi trên địa bàn thành phố, nhất là xã Dương Huy đã bị ngập úng; sạt chân bờ kè ở khu 1A, phường Cẩm Trung. Ngay khi nhận được thông tin, thành phố đã chỉ đạo các phường, xã tập trung lực lượng đến ngay các vị trí sạt lở để xử lý, đồng thời di dời nhân dân ra khỏi vùng bị sạt lở. Trước đó, thành phố cũng yêu cầu các đơn vị ngành than đóng trên địa bàn rà soát khu vực sản xuất, triển khai phương án phòng chống mưa lớn gây lũ quét, sạt lở khu dân cư, bãi thải và ngập úng đường lò, khai trường khai thác, hạ lưu khai trường sản xuất. Đến thời điểm này, các khu vực sạt lở đều đã và đang được khắc phục.
Bên cạnh việc kịp thời di dân, các địa phương cũng nhanh chóng khắc phục hậu quả, hạn chế tối đa thiệt hại. Như tại TX Quảng Yên, chính quyền và người dân đang khẩn trương tiến hành tiêu thoát nước chống ngập úng giải cứu hơn 100ha lúa và hoa màu. Bên cạnh đó, các xã, phường cũng đang khẩn trương huy động lực lượng tham gia dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3.
Còn tại TP Móng Cái, địa phương cũng kịp thời huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả, dọn dẹp các cây xanh bị đổ, gãy; khơi thông dòng chảy các vị trí ngập úng, đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông trên địa bàn.
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Các ngành chức năng đã và đang tập trung huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục các tuyến đường dây, trạm biến áp, hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng; kiểm tra tình hình thiệt hại về sản xuất nông, lâm, thủy sản; rà soát các trường hợp thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 để có phương án hỗ trợ và khắc phục kịp thời. Các đơn vị quản lý hồ chứa kiểm tra, theo dõi mực nước hồ, thực hiện điều tiết, rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn hồ chứa; theo dõi mực nước sông Ka Long để triển khai phương án phòng chống lũ trong trường hợp khẩn cấp. Toàn bộ các lực lượng của TP Móng Cái vẫn trong tình trạng sẵn sàng về nhân lực, vật lực theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng triển khai các phương án cứu hộ khi có sạt lở đất, ngập úng, lũ lụt sau hoàn lưu bão (trong điều kiện mưa kéo dài), hạn chế thấp nhất thiệt hại về vật chất do bão và hoàn lưu bão.
Để kịp thời ứng phó với cơn bão số 3, UBND tỉnh cũng đã liên tục phát đi các công điện chỉ đạo, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chỉ đạo công tác chống bão tại các địa bàn trọng điểm như huyện Vân Đồn, Ba Chẽ...
Các địa phương trong tỉnh thành lập đoàn công tác do lãnh đạo địa phương làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó trên địa bàn. Đặc biệt khu vực ngập lụt nặng trên QL18 tại Km135+500 (dốc Đèo Bụt) thuộc địa bàn TP Cẩm Phả khiến các phương tiện đường bộ không thể lưu thông qua đây, Sở Giao thông - Vận tải đã kịp thời đề nghị Công ty CP BOT Biên Cương phối hợp với các lực lượng chức năng, Công an tỉnh lắp đặt hệ thống biển báo tạm thời hướng dẫn giao thông trước và sau vị trí ngập lụt (theo cả 2 hướng). Đồng thời tăng cường nhân lực, phương tiện ứng trực điều tiết, phân luồng giao thông khu vực ngập lụt.
Tỉnh cũng đã huy động lực lượng vũ trang với 1.510 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ và hiệp đồng lực lượng của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 đóng trên địa bàn; 14 xe ô tô, 6 tàu, 22 xuồng và các trang thiết bị, phương tiện khác. Tất cả đều sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Bộ đội Biên phòng tỉnh bắn 32 quả pháo kêu gọi, thông báo cho tàu thuyền về nơi tránh trú tại các điểm quy định.
Trước đó, các đơn vị cũng đã kêu gọi tàu thuyền, đảm bảo an toàn khu nuôi trồng thủy sản. Theo đó, đến 16 giờ ngày 25/8/2022 toàn bộ 496 tàu của tỉnh đã về nơi tránh trú, 6.250 chiếc tàu cá các loại đã neo đậu an toàn, 14.502 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã chủ động gia cố và thông tin đến khoảng 1.000 lao động tại các khu nuôi trồng thủy sản để chủ động các biện pháp an toàn, gần 4.000 khách du lịch đều được thông tin về bão để chủ động phương án ứng phó; cũng trong ngày 25/8 đã đưa 500 khách du lịch tuyến đảo về bờ an toàn, còn lại 364 khách có nhu cầu ở lại đảo, địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tiếp đón chu đáo.
Từ nay đến cuối năm, dự báo Quảng Ninh sẽ còn chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, các ngành chức năng và địa phương cần tích cực, chủ động triển khai các phương án phòng chống, ứng phó với bão, đặc biệt khắc phục những khu vực sạt lở, hạn chế thiệt hại tài sản, đảm bảo tối đa an toàn cho người dân.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()