Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:51 (GMT +7)
Chủ động phòng chống ngập lụt, sạt lở đất do mưa lớn
Thứ 3, 18/08/2020 | 06:28:30 [GMT +7] A A
Trong các ngày 15, 16 và 17/8, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài, lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Do mưa lớn kéo dài nên ở nhiều khu vực đã xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, tường bao, điển hình là tại các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Ba Chẽ...
Tại TP Hạ Long, các điểm ngập lụt, sạt lở đất xảy ra ở các phường Cao Thắng, Hà Lầm, Hà Phong, Yết Kiêu, Hồng Hà, đáng nói có điểm nước ngập sâu trên ngực người, còn ở nhiều điểm khác ngập sâu từ 20-40cm. Nước ngập trong các khu dân cư không chỉ gây hư hỏng, thiệt hại tài sản của nhiều hộ dân, mà còn gây khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống của nhiều người dân, nhất là đối tượng trẻ em. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, do rác thải, nước thải tràn vào nhà dân, cụm dân cư. Đặc biệt, tại phường Trần Hưng Đạo, mưa lớn đã làm sạt trượt đất khiến một bụi tre to lao xuống nhà dân làm sập tường nhà dẫn đến gây thương tích cho hai người (vợ, chồng), phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Cũng do ngập nước trên diện rộng ở nhiều khu vực, nên để đảm bảo an toàn cho người dân, Điện lực Hạ Long đã phải tạm ngừng cấp điện cho khoảng 3.000 hộ dân trên địa bàn...
Dự báo về đợt mưa to kéo dài, trên diện rộng này, ngày 14/8, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn chỉ đạo chủ động biện pháp phòng chống mưa to gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Trong đó chỉ đạo Chủ tịch UBND các địa phương khẩn trương yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra cụ thể từng thôn, bản, khu phố, tổ dân, đặc biệt lưu ý các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, khu vực bãi thải, khu vực chân các núi đá; có phương án di chuyển dân đến nơi an toàn. Tuyệt đối không được để xảy ra thiệt hại về người...
Tuy đã có chỉ đạo như vậy, song thực tế ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ, sạt lở đất sau những đợt mưa lớn, kéo dài. Điều này cho thấy ở một số địa bàn công tác chủ động phòng, chống mưa to, ngập lụt vẫn chưa được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Việc xác định các điểm thường xảy ra ngập lụt, sạt trượt nguy hiểm và triển khai công tác, biện pháp ngăn chặn chưa đạt yêu cầu...
Việc ngập lụt cục bộ, sạt trượt đất trong khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông trong mùa mưa bão dường như năm nào cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhất là tại địa bàn TP Hạ Long, TP Cẩm Phả. Trong đó đáng nói là có nhiều điểm lặp đi lặp lại nhiều năm, như khu vực hồ điều hòa (phường Yết Kiêu), một số điểm thuộc phường Cao Thắng..., nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, đợt mưa to này có thể còn tiếp tục kéo dài vài ngày tới, từ 17 đến 21/8; cường độ mưa từ to đến rất to và kèm theo dông. Đặc biệt, bên cạnh đó, theo dự báo áp thấp nhiệt đới mới hình thành gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão với diễn biến phức tạp, có thể sẽ gây mưa to cho nhiều khu vực ở phía Bắc. Mưa to kéo dài dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lụt, sạt lở đất gây ra, nhất là về con người, các cấp, ngành, địa phương, lực lượng chức năng cần chủ động phối hợp, tích cực hơn nữa trong công tác phòng chống ngập lụt, sạt lở đất trong các khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông của tỉnh. Trong đó, cần khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt để cảnh báo đến người dân chủ động có biện pháp phòng tránh. Cùng với đó, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở các bãi thải khai thác than; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, các hồ đập. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mọi tình huống khi có mưa, lũ, sạt lở đất đá...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()