Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:50 (GMT +7)
Chủ động phòng chống sốt xuất huyết
Thứ 5, 28/09/2023 | 15:06:46 [GMT +7] A A
Sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm tháng 4 đến tháng 11 hằng năm. Nguyên nhân được nhận định liên quan đến yếu tố thời tiết giao mùa, mưa xuống nắng lên, thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Đây là bệnh do virus, chưa có vắc – xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bệnh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, cần chủ động phòng chống, tránh hình thành dịch lây lan.
Tính đến ngày 25/9/2023, Quảng Ninh ghi nhận 162 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh số mắc bệnh tăng thì trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một số ca bệnh biến chứng sốc do sốt xuất huyết đe dọa tính mạng. Theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy, vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 59 tuổi, trú tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 là một trong những trường hợp biến chứng nặng do sốt xuất huyết. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, khó thở, ăn kém, kèm đi ngoài phân lỏng. Qua các xét nghiệm thăm dò chuyên sâu, các bác sĩ chẩn đoán tình trạng toan chuyển hóa, sốc do sốt xuất huyết. Bệnh nhân được cấp cứu, điều trị sốt xuất huyết theo phác đồ. Sau 4 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, bệnh nhân đã thoát sốc nên sức khỏe dần cải thiện. Đây là một trong số các bệnh nhân biến chứng, sốc, nguy hiểm do sốt xuất huyết.
Để chủ động phòng, chống bệnh, hằng năm, tỉnh và ngành Y tế đã ban hành có nhiều văn bản chỉ đạo. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống sinh vật trung gian truyền mầm bệnh bằng nhiều hình thức như: Tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu...; phối hợp triển khai lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực giám sát, kiểm soát sinh vật trung gian truyền mầm bệnh; cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn do các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức.
Sở Y tế chỉ đạo các địa phương thường xuyên phun hóa chất phòng, chống dịch chủ động tại khu vực tập trung sinh vật trung gian truyền mầm bệnh; phun, diệt muỗi, côn trùng ở nhiều cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn; xử lý kịp thời, khống chế dịch bùng phát và lan rộng tại cộng đồng...
Biện pháp quan trọng nhất trong việc phòng chống sốt xuất huyết vẫn là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Do đó, mỗi gia đình, người dân cần phải chủ động trong việc vệ sinh nơi ở, giữ gìn môi trường sạch sẽ, không để môi trường cho muỗi sinh vật trung gian truyền mầm bệnh phát triển.
Cùng với việc chủ động phòng, chống, bệnh sốt xuất huyết khiến bệnh nhân rất mệt nhất là khi sốt cao kéo dài nên cần được ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin C, hạ nhiệt cơ thể. Khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có biểu hiện mệt mỏi nhiều, ly bì, nôn nhiều, tiểu ít, đau bụng nhiều nên vào viện để được bác sĩ thăm khám, tư vấn điều trị. Bởi biến chứng sốc do sốt xuất huyết nếu không điều trị kịp thời, tình trạng sốc sẽ tiến triển nặng, có thể gây suy phủ tạng, dễ dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Hương, Khoa Kiểm soát Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Trẻ em dễ mắc bệnh sốt xuất huyết hơn bởi chưa biết cách tự phòng bệnh, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, khó chia sẻ khi mắc bệnh. Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ khá điển hình song giai đoạn đầu có thể nhầm lẫn với các loại sốt thông thường. Do đó, phụ huynh thường xuyên cần để ý trẻ em. Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường sốt cao đột ngột, kéo dài từ 2 - 7 ngày, kèm theo đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn. Sau đó, trẻ em cũng xuất hiện chấm đỏ ở cẳng tay chân, nách, thắt lưng. Phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt có thành phần paracetemol theo hướng dẫn sử dụng, nới lỏng quần áo, lau mát khi trẻ sốt cao trên 39 độ C, đồng thời, tuyệt đối không sử dụng aspirin hay ibuprofen vì có thể tăng nguy cơ xuất huyết cũng như các loại thuốc kháng để điều trị tại nhà.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()