Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 03:14 (GMT +7)
Chủ động ứng phó bão cuối năm
Thứ 5, 19/09/2024 | 08:56:05 [GMT +7] A A
Cơn bão Yagi đã gây những thiệt hại hết sức nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc. Dù đã rất chủ động trong công tác phòng chống nhưng tổn thất về người và tài sản là quá lớn. Từ nay đến cuối năm dự báo sẽ còn nhiều cơn bão trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương của nước ta, vì vậy đòi hỏi các cấp, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cùng toàn thể nhân dân cần chủ động phòng chống hơn nữa để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Với cường độ và sức tàn phá khủng khiếp, bão số 3 đi qua đã khiến nhiều địa phương miền Bắc bị thiệt hại. Theo thống kê, tổng hợp đến ngày 15/9, bão đã làm 348 người chết và mất tích; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu con gia cầm, gia súc bị chết…
Bão số 3 vừa qua đi, nhưng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trên biển Đông đang xuất hiện áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4 và ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành phố của nước ta. Đồng thời cảnh báo các địa phương cần hết sức đề phòng, triển khai ngay các giải pháp ứng phó.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ nay đến hết tháng 9 trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão (khả năng tập trung vào 10 ngày cuối tháng 9) và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4. Trong đó, yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; các bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an…, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương.
Đặc biệt phải tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển; rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân nắm được thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, biết được kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt nhằm hạn chế thiệt hại.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo từ nay đến cuối năm 2024, trên biển Đông có khả năng xuất hiện 4-7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 3-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Vì vậy việc chủ động phòng chống theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” là vô cùng quan trọng, đặc biệt là các cấp, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với mưa bão.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()