Ông Lê Quang Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhắc đến một số tài khoản mạng xã hội thời gian qua có phát ngôn xúc phạm cá nhân, tổ chức, hoặc đăng tin giả. Ví dụ, đầu bếp Võ Đình Quốc, chủ tài khoản Facebook Vo Quoc với hơn 130 nghìn lượt theo dõi, đã bị xử lý vì đăng tin xúc phạm báo chí, dù người này giải thích bài viết "do người khác đăng tải". Ông Quốc bị Sở Thông tin Truyền thông TP HCM phạt 7,5 triệu đồng vào ngày 2/10 và bị kiến nghị đưa tài khoản vào blacklist.
Blacklist (danh sách đen quảng cáo) là sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, triển khai từ đầu năm, tập hợp những trang web, tài khoản mạng vi phạm pháp luật Việt Nam. Danh sách được gửi định kỳ cho các đơn vị quảng cáo và nhãn hàng, nhằm khuyến nghị không quảng cáo, chặn nguồn tiền của các kênh vi phạm trong trường hợp chưa thể gỡ bỏ khỏi nền tảng. Đến nay, khoảng 120 trang web và 60 tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới đã bị đưa vào blacklist.
Với trường hợp của ông Quốc, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết đã giao Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM làm việc lần thứ hai với người này. Sau khi nghe chủ tài khoản và người quản lý giải trình, Cục quyết định chưa đưa vào danh sách đen.
"Tài khoản có tình trạng người khác dùng chung, không thể kiểm soát, nên trước mắt chưa đưa vào blacklist, nhưng việc xử phạt là đương nhiên và ông Quốc cần rút kinh nghiệm trong việc bảo vệ, quản lý tài khoản cá nhân", ông Do cho biết.
Chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về thông tin
Thời gian qua, một số chủ tài khoản mạng xã hội lấy lý do "bị hack" hoặc giao người khác quản lý, sau khi có những hành vi vi phạm trên mạng. Trên thực tế, các vụ tấn công chiếm tài khoản diễn ra khá phổ biến. Ngoài ra, tài khoản của người nổi tiếng thường do nhiều người cùng quản lý.
Tuy nhiên theo ông Do, khi có hành vi vi phạm xảy ra, chủ tài khoản vẫn là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm.
"Nếu tài khoản bị chiếm quyền điều khiển hoặc do nhiều người dùng chung, họ phải chứng minh mình không đăng tải nội dung đó. Nếu không vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn", ông Do nói. Trong trường hợp phát ngôn vi phạm nghiêm trọng, họ có thể bị kiện ra tòa hoặc bị xử lý hình sự, theo Luật An ninh mạng.
Nghị định thay thế Nghị định 72 (2013) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được trình lên Chính phủ. Ông Do cho biết nghị định nếu được thông qua sẽ bổ sung nhiều quy định mới, với mục đích lớn nhất là "quản lý đời thực thế nào thì quản lý trên mạng như vậy" và người dùng cũng cần có ý thức bảo vệ, quản lý tài khoản của mình trên mạng xã hội.
Theo dự thảo nghị định, tài khoản của người dùng trên mạng sẽ được xác thực theo thông tin cá nhân, và có thể sẽ được sử dụng vào nhiều việc khác nhau, không chỉ là đăng tin, mà có thể là kinh doanh, buôn bán. "Trách nhiệm gắn với chủ tài khoản rất nhiều, vì vậy người dùng cần bảo vệ tài khoản này như tài khoản ngân hàng vậy", ông Do nói.
Cục khuyến nghị người dùng thận trọng và hạn chế chia sẻ tài khoản. Nếu buộc phải chia sẻ, cần có hợp đồng thỏa thuận làm rõ những người nào cùng tham gia sử dụng và chịu trách nhiệm về phát ngôn đăng tải trên tài khoản đó.
Trong trường hợp tài khoản bị chiếm quyền điều khiển, Cục cho rằng người dùng cần gửi báo cáo ngay cho nền tảng. Những tài khoản có sức ảnh hưởng cần liên hệ bằng email tới địa chỉ online.abei@mic.gov.vn, đồng thời tìm cách thông báo công khai về tình trạng của mình. Khi có vi phạm xảy ra, đây sẽ là bằng chứng để cơ quan chức năng xem xét xử lý.
Ý kiến ()