Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 18:27 (GMT +7)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại Bộ Công Thương
Thứ 3, 08/02/2022 | 22:01:09 [GMT +7] A A
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải luôn lấy người dân và doanh nghiệp là trọng tâm trong mọi quyết sách.
Ngày 8/2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Công Thương.
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; đại diện các bộ, ngành hữu quan…
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo nhanh về kết quả công tác năm 2021 của Bộ, phát biểu của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội vui mừng cho biết sáng cùng ngày đã tới thăm làm việc tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam-cánh chim đầu đàn của ngành dệt may Việt Nam, đạt kỳ tích trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt của đại dịch COVID-19.
Những nỗ lực, cố gắng, thành quả của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng là minh chứng cho nỗ lực, cố gắng của ngành Công Thương trong năm 2021 vừa qua, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận trong năm qua, ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 6,37%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước trong năm 2021 đạt 670 tỷ USD, tăng 23% so với 2020, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng để đạt được kết quả như vậy, một phần nhờ trụ đỡ của nông nghiệp và vai trò đầu tàu, động lực của công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, những ngành như phân bón, hóa chất, điện lực, dầu khí hoạt động liên tục.
Hiện khối lượng hàng hóa, nhất là nông sản lưu thông qua các cửa khẩu đã bắt đầu gia tăng... Những tín hiệu khả quan của nền kinh tế đầu xuân này hứa hẹn sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022.
Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… đây là đóng góp lớn của ngành công thương.
Nêu rõ năm 2022 tiếp tục có những thử thách, cam go, là năm thứ hai, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về khung khổ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, cũng như hàng năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ngành công thương cần tập trung sớm triển khai các chương trình hành động, kế hoạch, các đề án để thích ứng và tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo nghị quyết của Quốc hội và chương trình của Chính phủ; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất; tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, đảm bảo bao phủ diện rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình…
Trong Kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tung ra gói kích thích kinh tế rất lớn, kèm theo rất nhiều chính sách đặc thù và vượt trội để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Ngành công thương sớm ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trên, cùng Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khung khổ chính sách đã có, quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, ngành công thương cần sớm triển khai các nghị quyết, văn bản được Quốc hội, Chính phủ ban hành.
Cho rằng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò của quản lý Nhà nước rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, các cơ quan hữu quan tăng cường đoàn kết, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời phải luôn lấy người dân và doanh nghiệp là trọng tâm trong mọi quyết sách.
Nêu rõ những mục tiêu phát triển con người, kinh tế đất nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quản lý nhà nước, luật pháp, thể chế là kiến tạo phát triển và phát triển nhanh nhưng phải bền vững.
Trên tinh thần đó, trong lĩnh vực của mình, ngay từ những ngày đầu năm 2022, ngành công Thương cần chủ động, tích cực bắt tay vào thực hiện các kế hoạch, mục tiêu, chương trình, tránh tình trạng “đầu năm thì đủng đỉnh, cuối năm thì vội vàng.”
Quốc hội có chuyên đề giám sát tối cao đối với việc thực hiện Luật quy hoạch trong năm 2022. Ngoài năng lực thực hiện của bộ, ngành, công tác phối hợp rất quan trọng. Bộ Công Thương cần đẩy nhanh việc rà soát lại các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch mà ngành phụ trách.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bô Công Thương tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, thực sự vững mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục những khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn tại để bước vào một tâm thế mới; tiếp tục thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương khóa XII, khóa XIII; tăng cường hơn nữa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()