Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 08:29 (GMT +7)
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng luật, pháp lệnh
Thứ 2, 22/08/2022 | 15:16:13 [GMT +7] A A
Sáng 22/8, tại Nhà Quốc hội, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Chính phủ tổ chức, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chuẩn bị hồ sơ đưa dự án luật vào chương trình hằng năm, chống tham nhũng chính sách
Theo báo cáo, Kế hoạch 81 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện. Trong đó Chính phủ chủ trì 108, các cơ quan của Quốc hội chủ trì 12 và các cơ quan, tổ chức khác chủ trì 17 nhiệm vụ. Đến nay, các cơ quan đã hoàn thành 68/137 nhiệm vụ theo đúng tiến độ yêu cầu, trong đó có 8 nhiệm vụ vượt tiến độ.
Nhiều kết quả tích cực, đạt đồng thuận cao
Đánh giá tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần 1 năm qua đã đạt kết quả hết sức tích cực và quan trọng. Công tác tổ chức triển khai thực hiện bài bản, nhanh chóng khẩn trương và có kết quả.
Đến nay Quốc hội đã ban hành được 6 luật, 8 nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 2 pháp lệnh và 2 nghị quyết. Dự kiến kỳ họp Quốc hội thứ 4 tới sẽ xem xét 7 dự án luật, 1 Nghị quyết và xem xét lần đầu 7 dự án luật khác.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục quan tâm bảo đảm chất lượng các dự án luật, bảo đảm tiến độ đối với các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tăng cường bố trí các phiên họp chuyên đề pháp luật cũng như tiếp tục đổi mới cách thức góp ý, lấy ý kiến; tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm từ xa và lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe đóng góp của người dân doanh nghiệp.
Trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Kết quả vừa qua cho thấy, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ngày càng được nâng lên, đạt sự đồng thuận cao khi biểu quyết thông qua.
Sau 9 tháng triển khai Kết luận số 81, với sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, cơ quan được giao trực tiếp thực hiện, đến nay đã hoàn thành 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp đề ra.
Đến nay, đã có 5/6 dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các dự án luật đều đã được cơ quan thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp được đề ra tại Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án Định hướng và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; tăng cường năng lực cho các chủ thể và đổi mới quy trình lập pháp.
Bên cạnh đó, các cơ quan tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động lập pháp; tổ chức hiệu quả hơn công tác lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học...
Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian hơn, tập trung xem xét, cho ý kiến kỹ đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và có kết luận cụ thể về từng dự án làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức tiếp thu, chỉnh lý.
Việc điều chỉnh, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nâng cao chất lượng phản biện xã hội
Để bảo đảm hoàn thành thắng lợi Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục quán triệt, xác định việc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án Định hướng, Kế hoạch số 81 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của 4 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ: Các cơ quan, tổ chức phải quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp cụ thể và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Đối với 32 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết, đề nghị các cơ quan khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo quy định để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo tiến độ đã xác định tại Kế hoạch số 81, trong đó cần chú trọng bảo đảm chất lượng, tránh phải chuẩn bị lại vì chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đối với 44 nhiệm vụ lập pháp có tiến độ hoàn thành trước ngày 31/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục chủ động triển khai thực hiện, bám sát các yêu cầu được nêu trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án giải quyết…
Báo cáo tại hội nghị sáng nay cho biết, đối với 7 dự án trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp cơ quan soạn thảo khẩn trương hoàn thiện để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến và tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội.
Đối với 6 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư nhưng chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi đến các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.
Đối với các dự án thuộc Chương trình năm 2023, cần bảo đảm thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất tại phiên họp tháng 4/2023 (đối với các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm) và phiên họp tháng 9/2023 (đối với các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu).
Trường hợp dự án không bảo đảm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ quy định thì kiên quyết không đưa vào Chương trình kỳ họp và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng phản biện xã hội, chủ động tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()