Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:51 (GMT +7)
Cô Tô: Chú trọng chế biến, tiêu thụ thuỷ sản
Thứ 7, 14/08/2021 | 10:22:58 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Cô Tô đã vận động hội viên, nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương để khai thác, chế biến thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc Tổ quốc, có các ngư trường lớn, huyện Cô Tô có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển huyện Cô Tô khá phong phú, đa dạng loài; nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: Trai, bào ngư, hải sâm, sá sùng, mực ống... Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản hằng năm của huyện từ 5.500-6.000 tấn; riêng 6 tháng năm nay là 3.050 tấn.
Mặc dù ngành thủy sản của huyện đã cải thiện về năng suất, nhưng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường còn thấp; quy mô sản xuất hàng hóa nhỏ, thậm chí manh mún; ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện Cô Tô định hướng phát triển khai thác lợi thế của vùng biển, kết hợp nuôi biển ứng dụng KHCN, nhất là loài thủy sản có thế mạnh, giá trị kinh tế cao. Theo chủ trương này, HND huyện tích cực vận động hội viên, nông dân tập trung đầu tư nuôi trồng thủy sản.
Anh Đồng Sĩ Nguyên (thôn 1, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng quảng canh, đồng thời thí điểm nuôi trồng rong nho. Anh Nguyên cho biết: Giữa năm 2020 được HND huyện tư vấn, tôi đã vay hơn 1 tỷ đồng ngân hàng để làm kè trên diện tích 1,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Nguồn nước sạch, độ mặn ổn định, nên nuôi tôm thuận lợi. Năm 2020, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt gần 2 tấn, thu nhập 500 triệu đồng. Anh đang nuôi trồng thử nghiệm rong nho, là loài rong tảo có giá trị kinh tế cao, nếu phát triển ổn định sẽ đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng.
Để phát huy tiềm năng lợi thế về khai thác thủy sản, HND huyện vận động hội viên, nông dân, các cơ sở chế biến, HTX trên địa bàn nâng cao chất lượng chế biến hải sản đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Dương Văn Đại, Chủ tịch HND huyện Cô Tô, cho biết: Đối với khâu chế biến, HND huyện và các ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển những sản phẩm chế biến sâu có giá trị để phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng. Đơn cử, trước chỉ sơ chế con sứa thô, nay chế biến thành sản phẩm sứa ăn liền. 1 thùng 10kg sứa sơ chế thô lãi 50.000 đồng, nhưng 1 thùng 10kg sản phẩm sứa ăn liền lãi gấp 2-3 lần so với sứa thô. Liên vụ năm 2020-2021, sản phẩm sứa ướp muối phèn thành phẩm của Cô Tô là 310.000 thùng, doanh thu 40,3 tỷ đồng.
Để khai thác, chế biến thủy sản của Cô Tô ngày một phát triển, theo Chủ tịch HND huyện Cô Tô Dương Văn Đại, huyện tiếp tục vận động nông dân đổi mới tư duy, sáng tạo, nắm vững công nghệ chế biến. Đặc biệt, khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng KHCN nhằm đổi mới quy trình quản lý sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tạo ra sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng, giá thành thấp; đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại thu nhập cao cho hội viên, nông dân, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản Cô Tô.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()