Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:52 (GMT +7)
TX Đông Triều: Phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU
Thứ 5, 07/12/2023 | 17:54:37 [GMT +7] A A
Để phát huy tinh thần của miền đất học trên quê hương Đệ tứ chiến khu, cũng như phát triển lĩnh vực giáo dục của thị xã, ngày 14/10/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ TX Đông Triều đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, ngành giáo dục Đông Triều đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều chuyển biến tích cực
Trên địa bàn TX Đông Triều hiện có 81 trường từ cấp mầm non đến THPT, 1 trường đại học, 1 trung tâm GDNN-GDTX, 25 cơ sở giáo dục mầm non tư thục, 10 trung tâm ngoại ngữ, 1 trung tâm giáo dục kỹ năng sống, 1 trung tâm dạy trẻ khuyết tật và 21 trung tâm học tập cộng đồng tại 21 xã, phường.
Trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, Đông Triều xác định phát triển GD&ĐT là trách nhiệm của các cấp ủy, hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở để tiếp tục đổi mới căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục của địa phương toàn diện và vững chắc. Theo đó, Nghị quyết 04-NQ/TU của Thị uỷ về phát triển GD&ĐT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 100/NQ-HĐND của HĐND thị xã thông qua Đề án phát triển GD&ĐT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã đề ra mục tiêu phát triển GD&ĐT ở Đông Triều theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đảm bảo thực học, thực nghiệp, xây dựng nền giáo dục tiên tiến, đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của thị xã, giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh về giáo dục.
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, trong 20 chỉ tiêu nghị quyết đặt ra đã có 12 chỉ tiêu đạt và vượt. Đến nay chất lượng giáo dục của thị xã có nhiều chuyển biến tích cực. Đông Triều duy trì kết quả xóa mù chữ mức độ 2; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đạt mức độ 3 (đều đạt các mức độ cao nhất); tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt từ 96% trở lên. Cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ bản đảm bảo về chuyên môn, nghiệp vụ, vững vàng về tư tưởng, chính trị; phong trào học tập suốt đời, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng đi vào chiều sâu và phát triển rộng khắp.
Đáng chú ý, thị xã đã dành nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây mới bổ sung nhiều phòng học. Trong 3 năm đã đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất trường học cho 42 trường với tổng mức đầu tư trên 141,3 tỷ đồng. Qua đó, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa lên 94,5%, tỷ lệ phòng học đáp ứng được 88,1% so với nhu cầu. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu đề ra là có đủ phòng học ở tất cả các cấp học.
Trang thiết bị dạy học hằng năm được đầu tư đã đáp ứng được trên 80% nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các trường trên địa bàn thị xã. Năm 2023, đã rà soát, đề xuất Sở GD&ĐT trang cấp thiết bị dạy học tối thiếu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng. Trên địa bàn thị xã có 79/81 trường được đánh giá đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỉ lệ 97,5%, trong đó có 44/81 trường đạt chuẩn mức độ 2, đạt tỷ lệ 54%.
Nỗ lực duy trì tốp đầu toàn tỉnh
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU. Cụ thể là quy mô dân số trên địa bàn tăng hằng năm dẫn đến số lượng học sinh tăng; tiêu chuẩn theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT về cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT quy định về phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông đã thay đổi các quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường lớp, phòng học bộ môn, trang thiết bị phục vụ công tác đổi mới giáo dục; biên chế giáo viên còn thiếu so với định biên…
Bí thư Thị ủy Đông Triều Nguyễn Văn Công cho biết: Thị xã đã và đang tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa giáo dục; rà soát toàn bộ quy hoạch để đảm bảo chuẩn về diện tích, cơ cấu; ưu tiên quỹ đất đẹp nhất cho các trường học. Đồng thời, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, tạo điều kiện cho các trường dân lập; khuyến khích đầu tư các trường dân lập chất lượng cao, cơ sở vật chất hạ tầng, kết cấu đồng bộ. Đông Triều cũng định hướng phát triển các trường chất lượng cao, tự chủ; xây dựng các trường học hạnh phúc nhằm tạo môi trường nuôi dưỡng nhân tài cho thị xã. Cùng với đó, phát huy truyền thống hiếu học thông qua các dòng họ, xây dựng xã hội học tập; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới phương pháp học tập, duy trì chất lượng GD&ĐT nằm trong tốp đầu của tỉnh.
Cùng với những giải pháp tổng thể của thị xã, của ngành giáo dục, tại nhiều trường học cũng đã có những nỗ lực riêng để chuẩn hóa, hiện đại hóa công tác giáo dục. Cô giáo Phạm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Khê (phường Mạo Khê, TX Đông Triều) chia sẻ: Toàn trường hiện có 96,7% giáo viên có trình độ đại học; cơ sở vật chất gồm 44 phòng học được trang bị máy tính, ti vi, điều hòa, hệ thống chiếu sáng đảm bảo tiêu chuẩn. Các phòng chức năng, thư viện, phòng trải nghiệm, tin học, ngoại ngữ được đầu tư thiết bị, đồ dùng hiện đại, với hệ thống công nghệ thông tin có kết nối Internet... Qua đó, trường đã được Sở GD&ĐT công nhận và cấp chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3, chứng nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Tin rằng, những kết quả ban đầu và những nỗ lực trong thời gian sắp tới của cả hệ thống chính trị, ngành GD&ĐT Đông Triều sẽ luôn giữ vững vị thế, trở thành địa chỉ tin cậy trong hệ thống giáo dục của Quảng Ninh.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()