Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:45 (GMT +7)
Chứng khoán Mỹ chạm đáy 2 năm
Thứ 3, 11/10/2022 | 22:36:05 [GMT +7] A A
Thị trường chứng khoán Mỹ đỏ trong phiên đầu tuần. Chỉ số Nasdaq chính thức chạm đáy thấp nhất 2 năm do sức ép gia tăng từ nhóm cổ phiếu công nghệ.
Chao đảo vì cảnh báo suy thoái
Kết phiên đầu tuần, chỉ số Nasdaq Composite lao dốc 1,04% xuống 10.542,10 điểm, mức thấp nhất từng ghi nhận từ tháng 7.2020. Sức ép gia tăng từ sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu bán dẫn như Nvidia và AMD.
Chung diễn biến, chỉ số S&P 500 cũng mất 0,75% xuống 3.612,39 điểm. Hàng loạt cổ phiếu của các ông lớn công nghệ như Microsoft đều chao đảo. Trong đó, chỉ số Dow Jones giảm 93,91 điểm, tương đương 0,32% còn 29.202,88 điểm.
Đà bán tháo ập đến thị trường chứng khoán trong bối cảnh Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan - ông Jamie Dimon cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023. Nền kinh tế sẽ không chỉ rung lắc nhẹ như một số nhà kinh tế đã dự đoán.
Ông Dimon cho biết: "Những tín hiệu đáng quan ngại bao gồm tác động của lạm phát quá cao, lãi suất tăng mạnh hơn dự báo, tác động khó lường của quá trình thắt chặt định lượng và cuộc chiến Nga - Ukraina. Đây là những yếu tố rất nghiêm trọng có thể đẩy nền kinh tế Mỹ và cả thế giới vào suy thoái trong 6 - 9 tháng tới."
CEO JPMorgan không biết chắc chắn Mỹ sẽ suy thoái trong bao lâu, đồng thời nói thêm các thành phần tham gia thị trường nên đánh giá hàng loạt kết quả.
Sự thay đổi trong chính sách đã đè nặng lên các cổ phiếu bán dẫn. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế các công ty Mỹ bán chất bán dẫn điện toán tiên tiến và thiết bị sản xuất liên quan cho Trung Quốc. Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng bị ảnh hưởng nặng nề do tỉ giá tăng vọt.
Đà giảm liệu đã dứt?
Như vậy, tính chung từ đầu năm đến nay, chỉ số Nasdaq đã "bốc hơi" 32% và S&P 500 lao dốc hơn 24%. 3 quý giảm liên tiếp là điều chưa từng có tiền lệ với chứng khoán Hoa Kỳ kể từ năm 2015.
Theo ngân hàng Goldman Sachs, chứng khoán Mỹ sẽ đối mặt với nhiều biến động và thách thức trong giai đoạn cuối năm. Sự chú ý của giới đầu tư trước hết sẽ tập trung vào mùa báo cáo tài chính quý III, diễn ra vào khoảng giữa tháng 10. Các công ty trong nhóm S&P 500 được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hàng năm thấp nhất kể từ năm 2020.
"Hồi cuối tháng 6, nhóm doanh nghiệp S&P 500 được dự báo có thể ghi nhận mức doanh thu quý III tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giờ đây, con số này là dưới 3%. Các nhà đầu tư sẽ thực sự cảm thấy lo ngại khi chứng kiến việc tăng lãi suất ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và làm suy yếu nền kinh tế", ông Sam Stovall - Chiến lược gia đầu tư tại công ty CFRA Research nhận định.
Tuy nhiên nhiều người vẫn lạc quan rằng thị trường có thể phục hồi trong quý IV - vốn thường được coi là quý tăng trưởng tốt của thị trường chứng khoán. Đặc biệt là vào những năm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Thống kê cho thấy, kể từ năm 1928, chỉ số S&P 500 đã tăng điểm trong 73% thời gian của quý IV với mức tăng trung bình là 7%.
Ông Sam Stovall nói: "Nhiều nhà đầu tư sẽ muốn sớm quay trở lại thị trường trong quý IV. Đó có thể là điều chúng ta đang chứng kiến vào thời điểm hiện tại. Tiền sẽ đổ vào chứng khoán, đặc biệt là sau quãng thời gian giảm sâu như vừa qua".
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()