Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 09:33 (GMT +7)
Chung tay phát huy giá trị di sản liên tỉnh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà
Thứ 7, 04/11/2023 | 08:07:02 [GMT +7] A A
Năm 1994, Vịnh Hạ Long lần đầu tiên được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Trong suốt 30 năm qua, tỉnh Quảng Ninh không chỉ bảo vệ, làm mới những giá trị hiện có của di sản, mà còn phát hiện những giá trị mới. Cũng vì thế, Vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO ghi danh lần 2 vào năm 2000 và mới đây nhất, ngày 16/9/2023, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO nhất trí cho mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng), trở thành Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Như vậy, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch, sự kiện Vịnh Hạ Long mở rộng ranh giới, trở thành di sản liên tỉnh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã tạo sức hút của di sản lớn hơn, cho phép Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch biển. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đặt ra những yêu cầu mới về công tác quản lý, bảo vệ và đặc biệt là công tác phát huy giá trị của di sản.
Thực tế, ngay từ thời điểm nằm trong danh mục Di sản thế giới vào năm 1994, Vịnh Hạ Long đã mang đến cho Quảng Ninh cơ hội định vị lại giá trị của mình. Đó là, Quảng Ninh không chỉ là vùng đất của công nghiệp mỏ, mà còn là trung tâm du lịch; cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh đã định hình là tỉnh dịch vụ - công nghiệp, đưa dịch vụ lên đầu, trong đó hạt nhân là Vịnh Hạ Long, thay vì đưa công nghiệp nặng lên đầu như trước đây.
Thực tế, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã và đang có sự kết nối trong những năm qua, thông qua 3 cách: Thứ nhất là thông qua tuyến phà Tuần Châu - Gia Luận; thứ hai là thông qua tàu du lịch chạy theo tuyến 5 cảng tàu của Quảng Ninh - đến bến Gia Luận (Cát Bà, Hải Phòng), trong đó có 4 tiếng tham quan Vịnh Hạ Long và 1 tiếng tham quan Cát Bà, đi qua các điểm động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, hang Ba Hang, hòn Đỉnh Hương, hòn Trống Mái, rồi đến vịnh Lan Hạ Cát Bà và tới bến Gia Luận; thứ ba là kết nối bằng tàu chuyên tuyến, là các tender hiện nay.
Như vậy, di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà có 3 “cổng”, trong đó phía Quảng Ninh có 2 “cổng” là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, phía Hải Phòng có 1 “cổng” là bến Gia Luận, từ đó mở ra các tuyến tham quan trên 2 vịnh Hạ Long và Lan Hạ. Việc quản lý, kết nối du lịch giữa 2 vịnh thông qua “cổng” cũng chính là một tuyến du lịch trên vịnh, sẽ đảm bảo lợi ích cho cả địa phương, doanh nghiệp và khách du lịch khi đến với di sản…
Về phía Quảng Ninh, trong nhiều năm qua, dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long đã được hình thành và hoạt động sôi động, ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn du khách toàn cầu. Toàn tỉnh Quảng Ninh đang có hơn 200 tàu dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, trong đó có hơn 30 du thuyền nghỉ đêm cao cấp. Có những du thuyền rất hiện đại, điển hình như du thuyền Ambassador II có sức chứa lên tới 500 khách, hệ thống 45 cabin hạng sang, lưu trú theo giờ, sở hữu ban công riêng, đầy đủ tiện nghi, tương đương một phòng nghỉ khách sạn 5 sao. Hay như du thuyền Essence Grand Cruise 01 của Việt Thuận Group vừa được bàn giao thời gian gần đây cũng tương đương tiêu chuẩn 5 sao quốc tế với 55 phòng ngủ đêm siêu vip với sức chứa 160 khách lưu trú hoặc 320 khách tham quan.
Từ nền tảng cơ sở đội tàu du lịch như trên, trong bối cảnh Vịnh Hạ Long được mở rộng ranh giới sang quần đảo Cát Bà với vùng vịnh Lan Hạ như hiện nay sẽ là điều kiện để đội tàu phát huy năng lực phục vụ, khai thác bền vững giá trị di sản. Nhất là trong xu hướng dòng khách từ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN, vốn có tiềm năng, có khả năng chi trả cao đang ưa chuộng du lịch biển Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, tiến tới sẽ là những dòng khách châu Âu, Mỹ sẽ đến với di sản này.
Có thể thấy Vịnh Hạ Long mở rộng ranh giới, trở thành di sản thế giới liên tỉnh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là cơ hội để khai thác, phát huy giá trị, thúc đẩy kinh tế du lịch biển. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ, gìn giữ di sản, khai thác di sản theo hướng bền vững, phù hợp sức tải môi trường của các vịnh. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh trong công tác quản lý một cách phù hợp, nhất là trong bối cảnh hiện nay quy định quản lý các di sản thế giới liên tỉnh ở Việt Nam chưa có tiền lệ, Luật Di sản chưa quy định rõ nét, thì động thái của Quảng Ninh và Hải Phòng cũng phải cần cụ thể, quyết liệt hơn.
Được biết trước đây, BQL Vịnh Hạ Long năm nào cũng ký quy chế phối hợp với huyện Cát Hải về công tác quản lý, vệ sinh môi trường, cứu hộ, cứu nạn… trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ. Mới đây, 2 địa phương cũng đã có văn bản cam kết trong việc bảo vệ toàn vẹn di sản gửi lên UNESCO, đó là tiến trình rất đáng mừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới liên tỉnh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Tin rằng Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà sẽ mãi được tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng bảo vệ, phát triển, phát huy đúng cách, giữ cho thế giới một di sản quý giá đến muôn đời sau.
Việt Hoa
- Thuyền và biển - Đá và nước
- Vịnh Hạ Long: Khẳng định Kỳ quan thiên nhiên thế giới
- Đa dạng các dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long
- Đoàn BQL vịnh Hạ Long tham dự kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 17 hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới
- Mở rộng ranh giới di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà: Cơ hội và thách thức
- Vịnh Hạ Long lần đầu được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới
- Làm sao để “hồi sinh” di sản làng chài trên Vịnh Hạ Long?
- Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng chài Cửa Vạn
Liên kết website
Ý kiến ()