Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 13/09/2024 20:02 (GMT +7)
Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8 Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Thứ 7, 10/08/2024 | 06:02:45 [GMT +7] A A
Công tác chăm lo cho nạn nhân da cam thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp của Quảng Ninh cùng các nhà hảo tâm dành sự quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện, chăm sóc, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Đại Số (85 tuổi), ở khu 6, phường Hà Lầm, TP Hạ Long, có 2 người con là Nguyễn Thị Hải (49 tuổi) và Nguyễn Mạnh Hà (45 tuổi) bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Cả chị Hải và anh Hà khi sinh ra đều bình thường như nhiều trẻ em khác, nhưng càng lớn thì bệnh tật càng tiến triển theo chiều hướng nặng thêm. Gia đình đã chạy vạy chữa trị khắp nơi cũng chỉ thuyên giảm phần nào. Chị Hải mắc bệnh nặng hơn, trái gió trở trời là lên cơn đập phá. Còn anh Hà học hết lớp 9, đã lập gia đình được 10 năm và có 1 con gái. Vợ anh Hà thấy bệnh tình của chồng ngày càng nặng nên đã đưa con bỏ về quê.
Vợ ông Số là bà Đào Thị Thúy (77 tuổi) bị tai biến mạch máu não năm 2020. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu, nhưng một mình ông Số phải cáng đáng cho cả 3 người. Dù được hưởng chế độ chính sách theo quy định, nhưng cuộc sống của gia đình ông Số luôn khó khăn, vất vả.
Ở thôn Đông Ngũ, xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) những năm qua mọi người đều biết tới gia đình ông Triệu Minh Điền và bà Hà Thị Thìn (cả 2 đã mất) có 4 người con, thì 3 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam là Triệu Văn Thắng (49 tuổi), Triệu Văn Hưng (47 tuổi) và Triệu Văn Tuất (42 tuổi). Họ đều gặp khó khăn trong giao tiếp, cơ thể phát triển không bình thường, không biết chữ... Chỉ có người con thứ 3 là Triệu Văn Bình (43 tuổi) được lành lặn.
Sau khi ông Điền và bà Thìn mất, 4 người con đều sống chung một nhà, trong đó 3 người không có khả năng lao động, tất cả hoạt động chăm sóc đặt lên vai người cháu họ cáng đáng đảm nhận và sự quan tâm của họ hàng, chính quyền địa phương.
Hoàn cảnh của ông Nguyễn Đại Số và gia đình ông Triệu Minh Điền là minh chứng cho nỗi đau dai dẳng mà nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam đang phải gánh chịu. Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 4.116 nạn nhân chất độc da cam còn sống và hưởng chế độ trợ cấp. Trong đó, 3.695 người trực tiếp tham gia kháng chiến (nạn nhân thế hệ thứ nhất), 721 người là con đẻ (nạn nhân thế hệ thứ 2), 300 người (nạn nhân thế hệ thứ 3) bị dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Ông Nguyễn Minh An, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cho biết: Phần lớn nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ nhất hiện nay ở độ tuổi 70 trở lên, không còn khả năng lao động, bản thân lại bị mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo. Một số trường hợp đã mất. Trong gia đình họ còn có người thân bị mắc bệnh (thường là con), không có khả năng lao động, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Đây là điều chúng tôi day dứt, trăn trở, làm sao để người thân, con cái các nạn nhân da cam đảm bảo cuộc sống. Thời gian qua, được sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh, những nạn nhân chất độc da cam được chăm lo tốt hơn, nhà ở được sửa chữa, xây mới; trợ cấp hằng tháng được nâng lên, đảm bảo mức sống tối thiểu.
Từ năm 2008 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã kêu gọi Đảng ủy Than Quảng Ninh hỗ trợ cho 60 hộ gia đình, gồm 80 nạn nhân da cam nặng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều với mức 500.000 đồng/người/tháng; vận động Hội Doanh nhân trẻ hỗ trợ 20 nạn nhân trong 3 năm (2022-2025) với mức hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng/người. Ngoài ra, hội còn phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Hội CCB tỉnh, Hội CTĐ tỉnh... chỉ đạo các cấp hội trực thuộc vận động nguồn lực để quan tâm chăm lo nạn nhân chất độc da cam.
Hằng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng nội dung, quy chế phối hợp kết nối các nhà hảo tâm chăm lo cho các nạn nhân da cam. Cụ thể năm 2023, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh đã tổ chức tặng 654 suất quà nhân dịp Tết cổ truyền trị giá 372 triệu đồng; sửa chữa 1 nhà ở; hỗ trợ thường xuyên 1 địa chỉ nhân đạo; trao tặng 20 suất quà cho CCB là nạn nhân da cam; phối hợp tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí, tặng thẻ BHYT cho nạn nhân chất độc da cam. 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh đã vận động nguồn lực trao tặng 200 suất quà cùng hiện vật, tổng trị giá 120 triệu đồng cho các nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tiền thuốc điều trị, mua thẻ BHYT cấp phát miễn phí cho người thân chăm sóc các nạn nhân da cam. Đến thời điểm này, cơ bản các nạn nhân chất độc da cam và thân nhân nuôi dưỡng được cấp thẻ BHYT.
Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nguyễn Minh An, Nhà nước sớm có hướng dẫn về việc lập hồ sơ giấy tờ cho những trường hợp là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dioxin nhưng họ không còn lưu giữ được giấy tờ liên quan nên đến nay chưa được hưởng chế độ ưu đãi. Đồng thời, tăng nguồn lực về chính sách và nguồn lực xã hội hóa để nâng thu nhập hằng tháng cho những hộ nạn nhân da cam đang có thu nhập thấp trong khung chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND tỉnh; tạo điều kiện cơ sở vật chất cho tổ chức hội và cán bộ cơ sở để làm tốt hơn việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Giám đốc Công ty TNHH Luha International (Hà Thảo Mộc) Lương Thị Thu Hà: Góp sức xoa dịu bớt những nỗi đau Chung tay chăm lo cho nạn nhân da cam là thể hiện trách nhiệm an sinh xã hội của doanh nghiệp. Thời gian qua, công ty chúng tôi đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện, đưa những phần quà ý nghĩa đến với các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Với mỗi sản phẩm bán ra, công ty trích 1.000-5.000 đồng vào quỹ thiện nguyện để hằng tháng, hằng quý tổ chức các chương trình thăm, tặng quà cho người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Chúng tôi hy vọng thông qua việc làm này không chỉ giúp những người yếu thế trong xã hội có cuộc sống tốt hơn, xoa dịu bớt nỗi đau da cam mà chiến tranh để lại, đồng thời cũng thể hiện vai trò của doanh nghiệp chung sức tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. |
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Móng Cái Hoàng Tôn: Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho nạn nhân da cam Với vai trò của mình, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Móng Cái đã thường xuyên đề xuất, tham mưu với UBND thành phố nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam trên tinh thần đảm bảo 100% người hoạt động kháng chiến và con đẻ của hộ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi người có công theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, chăm lo, giúp đỡ đối tượng bị nhiễm chất độc hoá học có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại cộng đồng khu dân cư nơi cư trú… Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố cũng chú trọng thực hiện các biện pháp tích cực, cụ thể giúp đỡ nạn nhân hướng tới cuộc sống ổn định, bền vững, bằng cách giúp vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình theo điều kiện, hoàn cảnh của từng người; vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân ủng hộ và tổ chức trao tặng quà trực tiếp cho nạn nhân da cam. |
Ông Nguyễn Văn Hợi (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long): Mong mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn Tôi là một thương binh và cũng là nạn nhân chất độc da cam. Hậu quả chiến tranh để lại là sức khỏe bị giảm sút do nhiễm độc. Cũng như rất nhiều nạn nhân da cam khác, tôi đã và đang được Nhà nước quan tâm, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, động viên thường xuyên. Với sự chung tay của xã hội, những đau thương, mất mát của các gia đình nạn nhân chất độc da cam như chúng tôi phần nào được vơi bớt đi. Nhưng nỗi đau vẫn còn ở đó, trong cơ thể của chúng tôi và còn di truyền đến thế hệ con cháu. Do vậy, tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện, tiếp tục có những cơ chế, chính sách chăm lo cho các thế hệ sau khi bị nhiễm chất độc da cam, để mỗi nạn nhân da cam và thân nhân của họ vơi bớt nỗi đau, có cuộc sống tốt đẹp hơn. |
Nguyễn Thị Vân Anh, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh: Đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ Là một người trẻ, được sống và học tập trong môi trường hòa bình, em cũng như hàng triệu sinh viên Việt Nam luôn biết ơn các thế hệ đi trước. Nhiều người đã ngã xuống, nhiều người đến giờ vẫn còn mang trong mình di chứng của chiến tranh, là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Hằng năm, em cùng các bạn sinh viên trong trường cũng tham gia nhiều chương trình tình nguyện, trong đó có hoạt động thăm hỏi, động viên, chăm sóc những thương binh là nạn nhân chất độc da cam; thăm, tặng quà cho trẻ em là nạn nhân thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam... Những việc làm này tuy không lớn, nhưng thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của lớp trẻ chúng em với công lao của người đi trước. Em cũng mong các đoàn viên, thanh niên tiếp tục chung tay cùng với các đoàn thể có nhiều việc làm thiết thực để xoa dịu nỗi đau cho những nạn nhân da cam. |
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()