Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 02/01/2025 04:51 (GMT +7)
"Chúng tôi vinh dự được gặp Bác Hồ"
Thứ 7, 16/05/2020 | 13:31:02 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 9 lần về thăm Quảng Ninh. Những lời căn dặn của Bác luôn được các thế hệ cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắc ghi, phấn đấu thực hiện tốt, xứng đáng với tình cảm mà Bác đã dành cho tỉnh Quảng Ninh, nhất là đối với những người vinh dự được gặp Bác.
Bà Bùi Thị Nghĩa xúc động nhớ lại phút giây được chụp ảnh cùng Bác Hồ trên lễ đài sân vận động TX Hòn Gai, tháng 10/1957. |
Liên đội trưởng được tặng hoa Bác Hồ
Tháng 10/1957, Bác Hồ về thăm TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) bây giờ. Tại sân vận động thị xã lúc đó, cả nghìn người cùng tập trung lắng nghe lời Bác dặn. Sau khi nói về ưu điểm, thành tích của khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh), Bác căn dặn: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính. Muốn thế phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân...”.
Sự kiện ngày hôm đó đến nay vẫn luôn là một ký ức không thể nào quên đối với bà Bùi Thị Nghĩa (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long). Trong căn phòng khách nhỏ tiếp chúng tôi, bà Nghĩa bồi hồi nhớ về giây phút hạnh phúc gần 63 năm về trước. Khi ấy bà khoảng 14 tuổi, là liên đội trưởng xuất sắc của khu phố Chợ Cũ, của cả TX Hòn Gai. Giỏi văn nghệ, nhanh nhẹn, hoạt bát trong mọi phong trào tập thể, gương mẫu đi đầu trong sinh hoạt đoàn, đội, vì thế bà Nghĩa thường xuyên được chọn trong đoàn thiếu nhi của TX Hòn Gai đi tặng hoa các đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm thị xã.
Thế nhưng cô gái nhỏ năm ấy không thể biết rằng chính mình được chọn để thay mặt cho thanh thiếu niên và nhân dân khu Hồng Quảng tặng bó hoa tươi thắm cho Bác Hồ khi Người về thăm. Mãi đến khi tập trung tại khu vực cánh gà sân vận động, bà Nghĩa mới biết nhiệm vụ của mình. Bà vô cùng vui sướng, hạnh phúc, xúc động khi ôm bó hoa tiến lên lễ đài giữa sân khấu tặng cho Bác Hồ, đứng bên cạnh, nhìn ngắm vị lãnh tụ của dân tộc mà sao lại giản dị đến vậy trong bộ quần áo kaki, đôi dép cao su.
Đứng bên cạnh Bác, nhìn xuống khán đài, bà Nghĩa thấy cả biển người cứ như sóng dào dạt, mãi đến khi Bác giơ tay ra hiệu thì mới lắng lại. Bà con trước đây hầu như chỉ biết Bác qua ảnh, nghe tiếng Bác qua đài phát thanh, nên khi có được dịp hiếm hoi được gặp trực tiếp, ai cũng như cố tiến đến để được gần Bác hơn.
Hồi tưởng lại về ngày hôm đó, có một khoảnh khắc khiến bà Nghĩa nhớ kỹ nhất, chính là lời hỏi thăm ân cần của Bác dành cho mình khi Bác nhận hoa: “Cháu có mỏi chân không?”. Người quay lại nhắc nhở mấy đồng chí lãnh đạo: “Từ lần sau các đồng chí nhớ phải để ghế cho các cháu ngồi”. Lúc ấy thì bà Nghĩa thấy vui sướng, xúc động vô cùng vì được Bác quan tâm, động viên, sau này ngẫm lại càng thấy cảm phục sự chu đáo, nhân hậu, gần gũi giản dị của Người. Bác dù lo trăm nghìn công việc lớn, vẫn luôn quan tâm đến mọi người xung quanh, đặc biệt là dành tình cảm cho thiếu niên, nhi đồng.
Sau ngày hôm đó, bạn bè ai cũng chia vui với liên đội trưởng khu phố Chợ Cũ đã vinh dự được tặng hoa cho Bác, được Người hỏi thăm, xoa đầu động viên. Bà Nghĩa đã kể lại cho các bạn trong liên đội về lời dặn của Bác, rằng thiếu nhi Hồng Quảng phải chăm ngoan hơn nữa, trong sinh hoạt đoàn đội nền nếp hơn, rèn luyện không ngừng, xứng đáng là mầm non tương lai, góp sức tham gia xây dựng quê hương, đất nước.
Kỷ niệm đón Người đến thăm đảo ngọc
Tháng 11/1962, Bác Hồ thăm quân và dân đảo Ngọc Vừng, huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn). Khi ấy, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân (SN 1946) là cô giáo trẻ mới ra trường, vừa nhận công tác tại Trường tiểu học xã đảo chưa lâu, làm Liên đội phó, tham gia phụ trách công tác đoàn đội tại địa phương.
Tấm ảnh chụp Bác Hồ với thiếu nhi đảo Ngọc Vừng (tháng 11/1962) được bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân đặt tại nơi trang trọng nhất trong nhà. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân kể: Chiếc máy bay trực thăng đến vào tầm giờ trưa, nhưng toàn dân đảo không ai biết đó là chuyến bay đưa Bác đến, chỉ đoán là có cán bộ cấp cao của Trung ương đi công tác tại địa bàn. Mãi đến khi máy bay đáp xuống sân cát trước đơn vị quân sự, bà con tập trung lại thì mới thấy rõ người bước xuống là một ông cụ dáng dong dỏng cao, mặc trên người bộ quần áo kaki giản dị, đi đôi dép cao su. Chẳng cần ai thông báo, mọi người nhận ra ngay nụ cười nhân hậu ấy, cùng với ánh mắt sáng như sao, vầng trán cao và chòm râu bạc phơ... đã quá quen thuộc trên bức ảnh chân dung mà nhà nào cũng có. Bà con đồng loạt reo lên đầy hân hoan, vui sướng “Bác Hồ! Bác Hồ!”.
Trường tiểu học xã đảo khi đó có gần 100 học sinh. Bác Hồ ân cần đến gần hỏi thăm, phát kẹo cho từng em rồi thân mật hỏi “Ai đã thuộc lòng được 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng”. Liên đội trưởng Nguyễn Minh Trang trả lời rõ ràng, rành mạch cả 5 điều, được Bác xoa đầu, khen ngợi. "Bác muốn được nghe thiếu nhi xã đảo hát tặng 1 bài hát ngắn, tôi liền bắt nhịp bài “Em là thiếu niên tiền phong”. Chẳng hiểu sao tôi cứ xúc động mãi, luống cuống mãi rồi lại lùi ra. Bác động viên, rồi dặn dò “Cháu phải bắt nhịp như Bác thế này”. Thế là mọi người cứ theo từng nhịp tay đều đặn của Bác mà cùng hát lên bài hát Kết đoàn" - bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân xúc động nhớ lại.
Đặc biệt nhất là ở chỗ, Bác rất nhanh chóng hòa cùng thiếu nhi. Các em cũng ngay lập tức cảm thấy gần gũi, quý mến Bác vô cùng, thân thiết và ấm áp như đón một người ông, người cha trở về quê hương vậy. Cho dù ai cũng biết, bên cạnh mình lúc đó là vị lãnh đạo tối cao của dân tộc Việt Nam. Mọi người cảm thấy được trải qua một niềm vinh dự to lớn ít người có được trong cuộc đời. Mỗi việc làm, lời nói của Người đều khắc ghi thành những bài học quý. Như khi Bác đi thực tế, do trời nắng gắt nên đồng chí Bí thư Chi bộ xã mượn đâu được một cái ô về bật lên định che cho Bác, Bác liền bảo "Chú hãy chia cho ông cụ kia kìa. Bác có mũ cối rồi".
Bác dặn dò nhân dân Ngọc Vừng về việc tăng gia sản xuất hiệu quả, rằng “dân giúp quân canh giữ biên giới, biển đảo; quân cùng dân xây dựng hợp tác xã mạnh giàu”. Lời dạy của Bác Hồ từ một buổi gặp rất nhanh buổi trưa hôm đó, sau này đã trở thành động lực cho nhiều thế hệ thanh thiếu nhi đảo Ngọc Vừng phấn đấu vươn lên thi đua học tập, lao động sản xuất. Trong chiến đấu, thanh niên đã cùng bộ đội trên đảo biến đảo ngọc trở thành pháo đài thép bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo vệ vững chắc vùng biển đảo quê hương. Xã đảo Ngọc Vừng đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Khắc ghi lời dạy, mãi học và làm theo Bác
Đại biểu dự lễ khánh thành Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Trường THCS Hồng Thái Tây (TX Đông Triều), tháng 2/2017. Ảnh: Nguyễn Xuân (CTV) |
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Ninh xác định là nội dung trọng tâm của công tác đoàn, đội nhiều năm qua. Các cơ sở đoàn, đội trong tỉnh đã cụ thể hóa việc học và làm theo Bác bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp.
Công tác Đội và phong trào thiếu nhi, hoạt động chủ yếu hướng vào trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh trong trường học; đa dạng hóa các hoạt động hướng về cộng đồng dành cho thiếu nhi để hình thành lối sống lành mạnh, tư duy tích cực; phát động phong trào học tập, rèn luyện sáng tạo để hoàn thiện nhân cách, phát triển bản thân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án Phát hiện tài năng và bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu một số lĩnh vực cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019-2025. Trong đó, chú trọng mở rộng quy mô, đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng tổ chức các cuộc thi năng khiếu, hội thi chuyên ngành trong từng đối tượng thanh thiếu nhi, như: Hội thi hùng biện tiếng Anh, Họa mi vàng, tìm kiếm tài năng, tin học trẻ…, tổ chức các phong trào, sân chơi mới ở một số lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch... phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi thanh thiếu nhi nhằm phát hiện, tìm kiếm tài năng.
Cùng với đó, nhiều mô hình, cách làm hay trong học và làm theo Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị được triển khai hiệu quả, sáng tạo, như: Nhà em treo ảnh Bác Hồ; Thiếu nhi thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; các cuộc thi, hội thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về lịch sử, văn hóa của đất nước, địa phương; tổ chức ngoại khóa, đến thăm các địa danh, di tích lịch sử, địa chỉ đỏ gắn với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ...
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()