Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 04:26 (GMT +7)
Chuỗi giá trị gắn với công nghệ cao và chuyển đổi số
Chủ nhật, 12/06/2022 | 08:40:28 [GMT +7] A A
Cần đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn công nghiệp chế biến nông sản, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Trong các thời kỳ phát triển của đất nước, thực tế qua hai năm phòng, chống dịch Covid-19 và tái cơ cấu nền kinh tế những năm tới, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế-xã hội. Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 yêu cầu đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn công nghiệp chế biến nông sản, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững với tỷ lệ giá trị nông sản đạt hơn 30%.
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng tỷ trọng kinh tế số trong nông nghiệp đạt tối thiểu 10%. Để đạt được mục tiêu và yêu cầu này, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và cấp thiết.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản là tổng thể các hoạt động làm tăng giá trị sản phẩm nông sản tại mỗi bước trong quy trình từ cung ứng đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản là việc thay đổi mô hình sản xuất-kinh doanh, tăng sản lượng và giá trị nông sản; các thành phần kinh tế đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn; xử lý hài hòa lợi ích, nhất là lợi ích của nông dân, quản trị được rủi ro thị trường và tác động của biến đổi khí hậu. Đặc tính của nông sản dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu, điều kiện bảo quản, vận chuyển cho nên việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản gặp trở ngại và khó khăn hơn nhiều so với sản phẩm công nghiệp, dịch vụ.
Các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh đã bước đầu hình thành nhưng việc phát triển chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đang gặp nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn, đó là:
Cơ cấu lại sản phẩm nông sản diễn ra chậm, chưa thích ứng kịp sự biến đổi về khí hậu và thị trường, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa vững chắc, nhiều địa phương chưa xác định sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, có tình trạng sản xuất theo phong trào; tỷ trọng khoảng 85% sản phẩm nông sản do thương lái và chợ đầu mối đảm nhiệm logistics và phân phối, 15% thông qua kênh phân phối tiện ích và thương mại điện tử; chi phí logistics cao hơn so với sản phẩm nông sản cùng loại của các nước trong khu vực; chi phí sản xuất cao và còn nhiều rủi ro; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản ở thị trường trong nước và nước ngoài mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, năng suất lao động ngành nông nghiệp bằng khoảng 44,5% năng suất lao động chung của nền kinh tế.
Các bộ, ngành và địa phương đã có quy hoạch sản phẩm nông sản nhưng chưa có quy hoạch cụ thể phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh, bao gồm các khâu cung ứng đầu vào-vùng nguyên liệu-sơ chế, chế biến-phân phối và tiêu dùng; cùng với đó là ban hành thể chế và chính sách phù hợp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho thành phần kinh tế.
Điều kiện cần thiết để phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số còn nhiều hạn chế và bất cập về quy hoạch vùng nguyên liệu trong liên kết vùng, tích tụ và tập trung ruộng đất, kết cấu hạ tầng sản xuất và thông tin, quy chuẩn hóa đồng bộ các khâu của chuỗi giá trị (đầu vào, sản xuất và đầu ra), nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo nghề gắn với sản phẩm nông sản, kiến thức công nghệ thông tin cho người lao động; cơ sở dữ liệu về chuỗi giá trị sản phẩm nông sản còn thiếu và cát cứ giữa các địa phương, ngành, lĩnh vực.
Thu hút nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; tỷ trọng vốn đầu tư xã hội vào ngành nông nghiệp chỉ khoảng 5,8% của cả nước; đầu tư theo hình thức PPP mới thí điểm và ở quy mô nhỏ; cơ chế, chính sách còn bất cập trong phát triển bền vững vùng nguyên liệu chưa đủ hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ đẩy mạnh đầu tư và bao tiêu sản phẩm; thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa sản xuất nông sản còn gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của một số bộ, ngành, tỷ lệ tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị nông sản gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số còn thấp (khoảng 15%-20%) do hạn chế về cơ sở hạ tầng sản xuất và thông tin, hiểu biết và kỹ năng công nghệ số của cán bộ quản lý và người lao động, năng lực tài chính yếu, chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước về ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số còn hạn chế.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, từ những vấn đề thực tế nêu trên, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương xem xét thực hiện một số giải pháp phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số như sau:
Sửa đổi Luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn (quy mô cấp tỉnh và liên kết vùng), đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản.
Sửa đổi Luật HTX năm 2012 và ban hành chính sách hỗ trợ cho HTX, tổ hợp tác, Liên hiệp HTX chuyên ngành sản xuất sản phẩm nông sản quy mô lớn, phát triển bền vững.
Xây dựng các quy hoạch cụ thể chuỗi giá trị đối với từng sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia theo vùng (tích hợp quy hoạch của cả nước), cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; cùng với đó là ban hành chính sách để huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các thành phần kinh tế trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản như tiền thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chính sách tín dụng, thuế, bảo hiểm cây trồng và vật nuôi, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất và thông tin, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu...
Dành nguồn lực tài chính của ngân sách trung ương và địa phương trong đầu tư công trung hạn và các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, kết hợp với đổi mới các chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, phí và lệ phí... đủ sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản.
Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn chuỗi giá trị sản phẩm nông sản về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, ứng dụng bản đồ tra cứu thông tin thổ nhưỡng, thủy văn, sản lượng và thị trường nông sản,... để nông dân, HTX và doanh nghiệp tra cứu, chủ động ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, bảo đảm tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với đổi mới sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu.
Rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp, quy trình kỹ thuật sản xuất bảo đảm hài hòa với tiêu chuẩn, quy chuẩn khu vực và quốc tế để xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()