Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 06:28 (GMT +7)
Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2023) Chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục - đào tạo
Thứ 2, 20/11/2023 | 07:56:44 [GMT +7] A A
Nhờ sự quan tâm chăm lo cùng những chủ trương, chính sách cụ thể, hiệu quả, ngành GD&ĐT tỉnh đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, một trong những trung tâm giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước.
Với quan điểm “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước một bước trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh đã ban hành những cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu tiên phát triển giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn, hỗ trợ cho học sinh miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), diện có hoàn cảnh khó khăn. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng đã tham mưu cho Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã tích hợp các nội dung liên quan đến giáo dục. Hằng năm ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh. Hơn 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành hơn 80 chương trình, kế hoạch, nghị quyết, đề án về phát triển giáo dục.
Tiêu biểu, năm học 2023-2024, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND về việc tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204 và Nghị quyết số 248 của HĐND tỉnh cho đối tượng ở các xã ra khỏi vùng khó khăn và các xã, thôn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo đó Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ trên 31,3 tỷ đồng/năm để quan tâm chăm lo học sinh DTTS.
Thầy giáo Trịnh Khắc Đông, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồng Văn (huyện Bình Liêu), chia sẻ: Thầy và trò nhà trường rất vui khi các chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng cao tại Nghị quyết số 204/NQ-HĐND của HĐND tỉnh tiếp tục được kéo dài. Học sinh tiểu học, THCS, THPT bán trú đã được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/tháng, góp phần tiếp sức cho học sinh vùng cao được đến trường.
Tỉnh cũng đã ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất. Đến nay tỷ lệ phòng học kiên cố đạt gần 93%; gần 90% số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nhiều trường học đã được xây mới khang trang, hiện đại, khánh thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, tạo môi trường phát triển toàn diện cho học sinh, như: Trường THPT Bình Liêu, THPT Cẩm Phả, THCS-THPT Quảng La…
Với sự quan tâm chăm lo của tỉnh cùng sự nỗ lực của toàn ngành, 10 năm qua chất lượng giáo dục của Quảng Ninh không ngừng được nâng cao ở tất cả các cấp học, bậc học, giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trước 1 năm so với yêu cầu; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS được duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng. Kết quả thi tốt nghiệp THPT từng bước nâng cao về chất lượng, nằm trong top 30-35 các địa phương trong nước. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023 xếp thứ 13 (theo số lượng thí sinh đoạt giải), thứ 17 (theo tỷ lệ học sinh đoạt giải)…
Quảng Ninh đã hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động tỉnh và trong nước. Quy mô, mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học ngày càng được mở rộng, phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh.
Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Trường phát triển theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực phía Bắc. Năm học 2023-2024, nhà trường tiếp tục có thêm những đổi mới, hướng tới đào tạo trình độ sau đại học. Trường mở mới thêm ngành CNTT trình độ đại học, nâng tổng số 17 ngành trình độ đại học. Đặc biệt, lần đầu tiên sau 9 năm thành lập, Trường mở được 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ: Khoa học máy tính (Trí tuệ nhân tạo), Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Ngôn ngữ Anh. Đây là những ngành đang có nhu cầu cần bổ sung nhân lực chất lượng, phục vụ cho công tác đào tạo giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực trên thị trường lao động tỉnh đang rất sôi động.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp ngày càng được nâng cao. 10 năm qua, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp được kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đến nay cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành có trên 22.000 người, tăng gần 4.000 người so với năm 2013. Quảng Ninh là tỉnh có tỷ lệ giáo viên thực hiện nâng chuẩn cao, đang phấn đấu hoàn thành nâng chuẩn vào năm 2025, trước 5 năm so với lộ trình đặt ra của Bộ GD&ĐT.
Với những thành tựu đã đạt được, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, đáp ứng công cuộc xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh tiêu biểu của cả nước, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, hội nhập, đời sống của nhân dân được nâng cao về mọi mặt.
Trúc Linh
- Sở GD&ĐT làm việc với Đoàn đại biểu Ủy ban Giáo dục tỉnh Hokkaido
- Ưu tiên nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục
- Bế giảng Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2023
- Nguyên tắc xác định vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục mầm non công lập
- Bộ Giáo dục kiến nghị thi tốt nghiệp 2025 với hai môn bắt buộc
- Phát huy vai trò của các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật
- Phổ biến giáo dục pháp luật và định hướng nghề nghiệp cho phạm nhân
Liên kết website
Ý kiến ()