Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:18 (GMT +7)
Chuyển biến trong công tác dân số và phát triển
Thứ 6, 27/08/2021 | 15:43:17 [GMT +7] A A
Công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn Quảng Ninh hiện đang chuyển dần trọng tâm sang công tác dân số và phát triển. Trên cơ sở đó đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, phát huy được cơ cấu dân số vàng, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu trong Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra.
Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hoàng Văn Hy, nhằm từng bước đưa Nghị quyết 21-NQ/TW vào cuộc sống, ngành dân số đã tìm giải pháp nâng cao chất lượng dân số phù hợp với từng đối tượng cụ thể, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, tập trung cho nhóm cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên. Bên cạnh công tác truyền thông, ngành cũng chú trọng mở rộng, ứng dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ở các địa phương đã có những bước chuyển biến đáng kể.
Nhiều chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực từ cơ cấu dân số phụ thuộc sang cơ cấu dân số vàng, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh; tuổi thọ bình quân người dân năm 2019 là 73,5 tuổi (tương đương với toàn quốc).
Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh, tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh năm 2020 là 61,8%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt trên 80%. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 94,1%. Dân số bước đầu đã có sự phân bố hợp lý, gắn với quá trình quy hoạch, nông thôn mới, đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển KT-XH.
Tuy nhiên, công tác dân số đang đứng trước nhiều thách thức, như: Vẫn còn sự phân biệt về giới tính, chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền; hạn chế về truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ... Trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vẫn còn đặt nặng KHHGĐ, chưa chú trọng các mặt cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và tác động qua lại với phát triển. Cùng với đó, công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao.
Để giải quyết những thách thức đó, Nghị quyết số 21 được coi là kim chỉ nam cho công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết đã nhấn mạnh vào việc đổi mới nội dung tuyên truyền, tập trung vào chính sách dân số và phát triển.
Vì thế, ngành dân số tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cần tập trung truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển. Đồng thời, duy trì, nhân rộng và xây dựng các mô hình truyền thông có hiệu quả phù hợp với tình hình mới; nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số.
Nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức được triển khai đồng bộ ở các cấp. Điển hình như Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đã lồng ghép nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào giảng dạy tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chuyên viên, chuyên viên chính. Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh phổ biến nội dung các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh cho sinh viên trước khi ra trường và tổ chức ký cam kết thực hiện đối với sinh viên ra trường. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT đưa nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh vào các trường THPT, THCS trên địa bàn bằng hình thức sinh hoạt ngoại khóa.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi về dân số và phát triển là một vấn đề lớn. Do vậy, đổi mới nội dung, phương thức truyền thông là yêu cầu cần thiết trong công tác dân số hiện nay. Thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ em vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục, giới tính… Bên cạnh đó, triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()