Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:34 (GMT +7)
Chuyển biến trong hoạt động trợ giúp pháp lý tại Bình Liêu
Thứ 5, 08/09/2022 | 13:26:59 [GMT +7] A A
Với đặc thù là huyện biên giới, đồng bào DTTS chiếm 96%, để chính sách trợ giúp pháp lý đến với người dân, huyện Bình Liêu đã phối hợp cùng Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện.
Từ tháng 7/2017 đến nay, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức 34 hội nghị phổ biến pháp luật và tư vấn trợ giúp pháp lý với 2.240 lượt người tham gia, tiếp nhận 114 đơn yêu cầu trợ giúp. Các nội dung trợ giúp pháp lý và tư vấn trợ giúp chủ yếu tập trung những quy định về quyền dân sự, chế độ chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, hộ tịch, quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho bà con trên địa bàn.
Trong hoạt động tố tụng, thực hiện phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý, hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương đều thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai bản thông tin về trợ giúp pháp lý; phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý; hướng dẫn, giải thích quyền được trợ giúp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý và đề nghị, giới thiệu đến trung tâm yêu cầu trợ giúp pháp lý; đăng ký tham gia tố tụng cho trợ giúp pháp lý; thông báo thời gian, địa điểm hỏi cung, lấy lời khai.
Việc giao các văn bản tố tụng như: Kết luận điều tra, cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử, thông báo lịch xét xử, quyết định công nhận sự thỏa thuận, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, bản sao bản án, thông báo kháng nghị… cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời, đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BTC-VKSNDTC-TANDTC, ngày 29/6/2018 của liên ngành tư pháp Trung ương về hướng dẫn một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện triển khai đồng bộ, rộng rãi đến tất cả cán bộ của ngành mình để nắm bắt và nghiêm túc thực hiện theo quy định của thông tư.
Ngoài ra, các cơ quan tư pháp trên địa bàn huyện triển khai các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý hiện hành cho đội ngũ CBCC, nhất là những người tiến hành tố tụng. Viện KSND huyện đã phối hợp với TAND huyện tổ chức xét xử lưu động nhiều vụ án tại nhà văn hóa thôn, khu và truyền thanh trực tiếp đến các cụm loa thôn, bản khu phố trên địa bàn, nhằm phục vụ nhu cầu chính trị tại địa phương và phối hợp tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý để người dân biết về quyền được trợ giúp pháp lý của mình và liên hệ với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh khi có nhu cầu. Các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương cũng liên hệ trực tiếp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, hoặc có công văn yêu cầu cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý...
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, tỷ lệ người dân Bình Liêu biết về trợ giúp pháp lý ngày càng tăng lên, góp phần đảm bảo khách quan, công khai, dân chủ, giải quyết các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, nhằm nâng cao hơn hiệu quả trợ giúp pháp lý cho nhóm người yếu thế, năm 2022 Bình Liêu thực hiện mô hình điểm triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn và trợ giúp mô hình phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện (thực hiện điểm tại 2 xã Hoành Mô, Húc Động). Theo đó, cấp huyện thành lập Tổ tư vấn, cấp xã thành lập 2 CLB phổ biến pháp luật và trợ giúp phòng, chống xâm hại trẻ em.
Với sự vào cuộc tích cực các cơ quan, đơn vị, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn huyện Bình Liêu từng bước chuyển biến tích cực và trở thành địa chỉ tin cậy của những người yếu thế. Trong 5 năm, số trường hợp được trợ giúp pháp lý trong tố tụng tại địa phương là 24 vụ với 29 bị can, trong đó số trường hợp được cung cấp và trợ giúp pháp lý miễn phí là 24 bị can.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()