Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 03:47 (GMT +7)
Chuyện chợ mới
Thứ 7, 18/01/2014 | 05:03:21 [GMT +7] A A
Đầu tư xây mới chợ là việc vui mừng, thế nhưng không phải ở đâu cũng được các tiểu thương ủng hộ. Nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ mới trên nền chợ cũ chỉ tính bài toán kinh tế cho mình, mà chưa tính đến điều kiện kinh doanh thực tế của các tiểu thương, dẫn đến không những khó khăn cho cả nhà đầu tư xây dựng chợ, tiểu thương của chợ và cả công tác tổ chức, quản lý chợ.
Việc xây dựng chợ hiện nay, nhiều công trình chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại và nhu cầu phát triển lâu dài, nhất là ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Từ một chợ truyền thống, điều kiện kinh doanh và mua sắm mới dừng ở quy mô nhỏ, đến khi xây mới thì yêu cầu vượt quá khả năng của tiểu thương. Chúng ta vô tình đã đẩy một lực lượng lớn người lao động buôn bán nhỏ ở chợ truyền thống ra khỏi chợ. Họ vốn kinh doanh nhỏ theo kiểu ra chợ thì “nộp vé chợ”, chưa sẵn sàng cho tư thế của nhà kinh doanh, không đủ điều kiện kinh tế để mua gian hàng mở rộng quy mô kinh doanh. Chính vì thế, có tình trạng ở khắp nơi trong nước, chợ xây xong, nhưng việc đưa tiểu thương vào chợ thì đều nan giải.
Qua tìm hiểu tại một số chợ xây mới trên nền chợ cũ ở Quế Lâm (Trung Quốc) chúng tôi được biết không có chuyện các tiểu thương phản đối việc vào chợ kinh doanh. Vì sao họ không phản đối? Bởi vì mô của các chợ thường là tầng 1 vẫn duy trì hoạt động mua bán của chợ truyền thống như trước đây và các tiểu thương chi phí không đáng kể cho việc có chợ mới. Trên tầng 2 và 3 kinh doanh các ngành hàng như các chợ của Việt Nam hiện nay. Từ tầng 4 trở lên kinh doanh các mặt hàng cao cấp, hoạt động như siêu thị. Những người kinh doanh ở tầng 1, nếu ăn nên làm ra sẽ lên tầng 2, tầng 3 kinh doanh, và tương tự, những người kinh doanh ở tầng 2, tầng 3 khi có đủ điều kiện sẽ lên kinh doanh ở tầng 4... Và khi xã hội giàu có lên, việc lựa chọn hình thức kinh doanh, nơi mua sắm cũng sẽ tiến bộ lên. Lúc ấy cung cách buôn bán chợ truyền thống tự khắc sẽ mất.
Chợ Hạ Long II ở khu vực ngã tư Loong Toòng, TP Hạ Long xây dựng khang trang, nhưng việc tổ chức buôn bán hiện nay khá bất cập. Khu tầng 1 của chợ lẽ ra chỉ dành cho việc để xe và buôn bán truyền thống thì chật chội các ngành hàng, trong khi tầng 2, tầng 3 thì còn quá nhiều diện tích bỏ trống. Có nhiều người từng buôn bán nhỏ ở chợ này, nay có chợ mới đã không còn được kinh doanh. Quá trình xây dựng và những bức xúc chung quanh chợ cũ trung tâm Hải Hà cho thấy, một khi chưa hài hoà được lợi ích của tiểu thương và nhà đầu tư xây dựng thì việc tổ chức hoạt động tại các chợ mới còn gặp nhiều khó khăn.
Xây dựng chợ mới, tổ chức hoạt động chợ mới hiện nay mà lại loại bỏ ngay lập tức hình thức chợ truyền thống, làm mất cơ hội kinh doanh của các tiểu thương cùng buôn bán nhỏ của người dân sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân vốn gắn bó với chợ là việc không nên làm. Từ buôn bán nhỏ rồi mới tiến đến buôn bán lớn. Từ chợ truyền thống chúng ta xây dựng chợ hiện đại, tiến tới siêu thị, trung tâm thương mại. Cần có bước đi phù hợp để người dân đạt được thành quả cao nhất trong tự quyết định công việc làm ăn, buôn bán của mình.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()