Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:44 (GMT +7)
Chuyện dân Khe O bảo vệ môi trường
Thứ 7, 12/08/2023 | 07:27:44 [GMT +7] A A
Khe O những năm gần đây thường xuyên được lựa chọn là địa điểm diễn ra các hoạt động Ngày hội mùa vàng trên địa bàn huyện Bình Liêu. Những cung đường uốn lượn, dải ruộng bậc thang trập trùng vàng óng… giúp Khe O có khung cảnh nên thơ, đẹp đến xao lòng du khách. Ấy thế nhưng ít ai biết rằng, từng một thời, Khe O là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nông thôn của huyện Bình Liêu.
Khe O là thôn xa trung tâm của xã Lục Hồn. Trước đây Lục Hồn là xã nghèo của huyện nghèo Bình Liêu, thì thôn Khe O là thôn nghèo của xã nghèo Lục Hồn. Thôn có khoảng 60 nóc nhà, phần lớn đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí, kinh tế người dân rất thấp. Cũng có lẽ vì thế mà người dân trong thôn một thời gian dài chưa có ý thức chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.
Thôn Khe O chỉ khoảng 60 nóc nhà, thế nhưng nhà nào cũng nuôi trâu, bò, lợn, gà và là thôn chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn nhất xã Lục Hồn. Ký ức về môi trường ở Khe O là những chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm ngay sát nơi ở, sát nơi nấu ăn; bãi chăn thả nằm giữa thôn; dọc tuyến đường thôn đều là chất thải của vật nuôi; cả thôn đều có mùi xú uế, có rất nhiều ruồi muỗi… Cái khó của Khe O là bao đời người dân quen với nếp sống như vậy, việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về công tác môi trường là không hề dễ dàng
Trong quá trình xây dựng NTM, tiêu chí môi trường được đặt lên cao, do đây là tiêu chí thể hiện sự nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, điều này buộc huyện Bình Liêu phải tập trung triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả. Bắt đầu từ những điểm nóng, trong đó có Khe O, huyện Bình Liêu tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc họp dân bàn về công tác bảo vệ môi trường; cử cán bộ đến từng hộ, từng người dân Khe O để trao đổi, giải thích cho người dân hiểu; hỗ trợ kinh phí cho người dân di chuyển, xây dựng chuồng trại ra xa công trình nhà ở, hỗ trợ về xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; triển khai những mô hình về thu gom chất thải, rác thải để hoai ủ tạo mùn chăm sóc cây trồng; xây dựng khu chuồng trại tập trung dành cho đàn gia súc lớn của thôn Khe O…
Đặc biệt khu chuồng trại tập trung của Khe O được ví như chung cư của trâu, bò với thiết kế 2 dãy chuồng trại, bao gồm những ô chuồng riêng biệt, có mái che, thoáng khí, liên thông với nơi chứa, ủ phân thải… Vị trí của khu này nằm ở phía sau của quả đồi, cách xa khu dân cư tập trung. Hiện nay đàn trâu bò của cả thôn Khe O khoảng 100 con đều được chăn nuôi tại khu chuồng trại tập trung này, thuận lợi để đàn trâu bò có không gian phát triển, đồng thời người dân tận dụng được nguồn thải để chăm sóc cây trồng, cải tạo đất đai, quan trọng hơn là giúp Khe O bảo vệ môi trường nông thôn.
Với những nỗ lực trên, giờ đây Khe O vẫn là thôn có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất của Lục Hồn, tuy nhiên những tác động tiêu cực đến môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra đã được giảm thiểu. Đáng mừng là mỗi hộ dân, người dân Khe O đã nâng cao ý thức về nếp sống ăn ở sạch sẽ, sử dụng những công trình vệ sinh hiện đại trong cuộc sống, ứng dụng quy trình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường…
Những năm gần đây người dân Khe O dựng cổng chào ở đầu thôn, trồng hoa, cây cảnh hai bên đường vào thôn, chỉnh trang lại nhà cửa, bếp núc, gia tăng sản xuất trồng trọt, khơi thông thuỷ lợi… tạo nên sự tươi đẹp, trù phú của một thôn đặc thù nông thôn miền núi, đồng bào dân tộc. Sự đổi thay của Khe O đã thật sự làm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nơi đây, là chất liệu để Khe O hội nhập, phát triển kinh tế du lịch một hướng kinh tế mở về sau cho thôn.
Thành công của Khe O góp phần làm lan toả quyết tâm và hành động, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường của huyện Bình Liêu, giúp huyện Bình Liêu đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu về đích huyện NTM năm 2022 vừa qua.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()