Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:29 (GMT +7)
Chuyện đọc sách xưa và nay
Chủ nhật, 17/04/2022 | 09:17:59 [GMT +7] A A
Cuộc sống bận rộn với nhiều lo toan, khiến nhiều người không có thời gian dành cho sách, nhưng lý do chính vẫn là do văn hóa nghe nhìn hiện nay quá hấp dẫn và phát triển đã lấn át văn hóa đọc.
Còn nhớ mấy chục năm về trước, khi tôi còn là cậu bé, thời điểm ấy, ti vi, Internet chưa có, điện thoại chỉ cơ quan mới có mà là điện thoại bàn, phim chỉ chiếu ở rạp trẻ con không có tiền mua vé, nên sách báo để đọc với mọi người thật quý giá. Khi ấy các tiểu thuyết chương hồi dài tập như “Tây du ký”, “Thủy hử”, “Tam quốc diễn nghĩa” có tiền cũng không mua được, vì các nhà xuất bản không hiểu vì sao không thấy in ấn hoặc chỉ hạn chế.
Hồi ấy, gần nhà tôi có anh bạn học cùng lớp, bố anh ta phải mất công lên tận Hà Nội nhờ người quen để mua về 3 tập truyện này (thời đó việc đi lại giữa Cẩm Phả và Hà Nội rất khó, phải mua vé trước hàng tuần, xe chạy từ sáng sớm đến tối muộn mới đến Hà Nội). Anh bạn nhà có những tập truyện này học dốt nhất lớp, nhưng do ngồi học cạnh tôi, tôi cho chép bài thi rồi anh vẫn được lên lớp. Để trả công tôi đã giúp, anh ta lấy trộm sách của bố cho tôi mượn, nhưng với điều kiện chỉ cho mượn từng tập, đọc xong mượn tiếp, phải đọc nhanh và không cho ai khác mượn. Những cuốn truyện này cả nhà tôi đều thích. Những người cao tuổi trong gia đình vì mắt kém hoặc do không đọc được nhanh, nên bắt bọn trẻ chúng tôi khi đọc truyện phải đọc to cho cả nhà cùng nghe vào buổi tối. Nếu ban ngày người lớn bận đi làm không nghe được, mà bọn trẻ chúng tôi đã đọc trước, thì buổi tối lại phải đọc lại từ phần đọc dở hôm trước.
Thời ấy, người trưởng thành hầu như ai cũng thuộc thơ Tố Hữu, hay vài ba câu trong truyện Kiều. Các tác phẩm truyện dài như “Tắt đèn”, “Sống như anh”, “Người mẹ cầm súng” hay các tác phẩm dịch từ nước ngoài như “Thép đã tôi thế đấy”, “Ruồi trâu”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Túp lều bác Tôm” v.v.. cũng được thanh niên đón nhận một cách nhiệt tình.
Ngày nay, các phương tiện giải trí như ti vi, máy vi tính, điện thoại thông minh... cùng với sự bùng nổ của Internet và sự thay đổi từng ngày của công nghệ, khiến người ta hứng thú hơn khi nghe nhạc, xem phim, đọc tin tức, chỉ cần lướt nhẹ ngón tay trên màn hình là tất cả đều hiện ra. Vậy văn hóa đọc sách một thời cứ thế nhạt dần.
Để người dân khỏi lãng quên sách, nhiều tổ chức ban ngành và các địa phương đã có những giải pháp đưa sách đến với mọi người. Thư viện tỉnh đã vào cuộc tích cực, ngoài việc phục vụ bạn đọc tại chỗ, Thư viện tỉnh còn mở rộng cho mượn sách luân chuyển đến thư viện huyện, thị xã và điểm bưu điện – văn hóa xã. Hệ thống thư viện các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng trên 420 tủ sách, thư viện trường học, 124 điểm bưu điện văn hóa xã, một số thư viện trong các công ty ngành than, tủ sách bộ đội văn phòng, tủ sách Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh v.v.. Hàng năm, các thư viện huyện, thị xã phục vụ từ khoảng 80.000 lượt bạn đọc, từ 150.000 đến 160.000 lượt sách, báo luân chuyển..
Huyện Tiên Yên có "Phố đi bộ Tiên Yên" luôn được đông đảo nhân dân thị trấn và các xã trên địa bàn huyện tham gia. Ở đó Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tiên Yên đã đưa ra mô hình thư viện di động Phố đi bộ. Thư viện thường có 6 cán bộ, giáo viên tham gia tình nguyện theo công văn của Phòng Giáo dục- Đào tạo vào các tối thứ bảy hàng tuần. Người đọc đa phần là các em nhỏ được đọc sách miễn phí, hoặc có sách đã đọc ở nhà thì ra đổi sách lấy đồ dùng học tập hay chơi các trò chơi miễn phí như tô màu và các trò chơi rút gỗ, cá ngựa, cờ vua.... Mô hình này cũng thu hút khá đông các bạn trẻ tham gia.
Vậy là từ nhiều cách, văn hóa đọc cũng đã đi dần vào trong quần chúng, thực hiện lời dạy của Bác “Đọc một cuốn sách, đi muôn dặm đường”.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()