Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 29/12/2024 09:47 (GMT +7)
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh"
Thứ 3, 09/02/2016 | 14:41:40 [GMT +7] A A
Với những nỗ lực, bứt phá đầy quyết tâm của tỉnh, bức tranh công nghiệp Quảng Ninh đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng bền vững. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Tiền đề quan trọng
Năm 2015 khép lại với nhiều dấu ấn trong hoạt động công nghiệp. Điểm nhấn rõ nét trong bức tranh công nghiệp của tỉnh đó là sự chủ động và sáng tạo, sau 5 năm, Quảng Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại với 16/18 chỉ tiêu. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh trong việc hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII đã đề ra.
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2016, các trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh đã nhộn nhịp đón các đoàn du khách đến tham quan, báo hiệu một năm nhiều triển vọng của ngành du lịch Quảng Ninh. Trong ảnh: Tàu chở khách du lịch cập cảng Hòn Gai trong ngày đầu năm 2016. Ảnh: Thu Nguyên |
Một điều đáng nói không chỉ sản xuất công nghiệp luôn có sự tăng trưởng, nhất là giá trị sản xuất công nghiệp tăng dần qua các năm (năm 2015 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2014, tăng bình quân 6,3%/năm trong giai đoạn 2010-2015) mà đó là cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch tích cực và đúng hướng. Trong đó, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2010 lên 43,4% năm 2015, còn công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống 50,6% năm 2015. Những con số này cho thấy sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng; tăng dần tỷ trọng công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất điện. Điều này góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Song song với đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn 2010-2015 chiếm từ 45,57% lên 49,21%. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp FDI với các dự án như: Nhà máy sản xuất sợi của Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Hải Yên, TP Móng Cái; Nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và cụm thiết bị ô tô của Tập đoàn Yazaki (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Đông Mai, TX Quảng Yên... Bởi chỉ tính riêng năm 2015, Công ty TNHH Texhong Ngân Long có giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt trên 307 triệu USD, giá trị hàng hoá nhập khẩu trên 257 triệu USD, doanh thu đạt gần 320 triệu USD… Hay như Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân năm 2015, giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt trên 2,4 triệu USD, giá trị hàng hoá nhập khẩu đạt trên 142 triệu USD, doanh thu đạt trên 238 triệu USD... Ngoài ra còn có không ít các dự án có giá trị hàng triệu đô cũng đang từng bước triển khai đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng công nghiệp nhuộm Texhong Hải Hà (30 triệu USD), dự án sản xuất nến, bao bì và in ấn bao bì tại Khu công nghiệp Việt Hưng (5 triệu USD), dự án đầu tư xây dựng công nghiệp dệt may tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà của Công ty TNHH May mặc vải bò Lam Nhạn Việt Nam (12 triệu USD)... Ngoài ra, còn có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước với các dự án như: Dự án sản xuất gỗ ván ghép thanh xuất khẩu với công suất 2.000m3 sản phẩm/năm của Công ty CP Chế biến lâm sản Quảng Ninh tại phường Nam Khê, TP Uông Bí; sản xuất gỗ ghép thanh công suất 5.000 - 6.000m3 sản phẩm/năm và viên nén gỗ có công suất 70.000 tấn/năm của Công ty TNHH Thanh Lâm tại xã Tân Bình, huyện Đầm Hà... Nhiều dự án đầu tư công nghiệp phụ trợ ngành đóng tàu cũng đã được hình thành như: Nhà máy sửa chữa tàu biển và cụm công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu, Nhà máy Chế tạo động cơ Vinashin - Man - Phà Rừng, Nhà máy sản xuất lắp đặt động cơ diezen cho các tàu hàng trọng tải 157.000 tấn. Những ví dụ nêu trên là sự khởi sắc trong hoạt động công nghiệp, trong đó giảm dần sự “độc tôn” của ngành khai khoáng bao năm qua mà thay vào đó là công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ.
Thao tác máy sản xuất sợi tại Phân xưởng 2, Công ty TNHH Texhong Ngân Long, KCN Hải Yên, TP Móng Cái. |
Hành trình của tương lai
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong một tầm nhìn mới, đặt dưới quan điểm của sự phát triển nhanh, bền vững, công nghiệp của Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ được phát triển một cách hài hoà, hợp lý với giá trị gia tăng ít nhất 3,1%/năm; phát triển công nghiệp có chọn lọc, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; phát triển khu công nghiệp đã được quy hoạch của tỉnh theo hướng chuyên sâu tập trung các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp điện tử; duy trì phát triển các ngành khai thác khoáng sản phi kim loại, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và cơ khí.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển 8 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực như: Quần áo may sẵn, giầy dép và sản xuất phụ kiện; cơ khí với thiết bị công nghiệp, ô tô, xe máy và sản xuất linh kiện, phụ tùng... Đồng thời, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện, điện tử; thiết bị điện, điện tử, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, linh phụ kiện; sản phẩm công nghệ cao, hiện đại, vật liệu mới. Một vấn đề công nghiệp Quảng Ninh đang quan tâm trong quá trình phát triển là lựa chọn một số ngành công nghiệp mũi nhọn trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của Quảng Ninh, đặc biệt là “lợi thế cạnh tranh động”. Đó là các ngành công nghiệp mũi nhọn có khả năng cạnh tranh, chiếm tỷ trọng đáng kể tại thị trường trong nước và quốc tế, có khả năng tạo hiệu ứng lan toả, dẫn dắt và kéo theo sự phát triển của các ngành khác như: Công nghiệp chế biến lâm sản, thuỷ hải sản, thực phẩm; công nghiệp khai thác khoáng sản theo quy hoạch. Đồng thời phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ chủ yếu ở Quảng Ninh hiện nay là công nghiệp cơ khí, điện - điện tử, may mặc - giầy dép.
Theo đó, đến năm 2020, cơ cấu ngành kinh tế là dịch vụ - công nghiệp, trong đó, dịch vụ 48-49%; công nghiệp - xây dựng 47-48%; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản 3-5%. Đặc biệt là khai thác than bền vững, hoạt động khai thác than phải sử dụng công nghệ tiên tiến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu tác động đến môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống. Trong đó, phát huy lợi thế so sánh về địa kinh tế, hệ thống cảng biển để thu hút vốn đầu tư phát triển, phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, tận dụng xu hướng tích hợp công nghệ để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài... Đồng thời, rà soát lại quy hoạch theo định hướng mới; hình thành hành lang, các chuỗi, cực tăng trưởng, đi đôi với tiếp nhận quá trình chuyển dịch đầu tư và phát triển công nghiệp từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các cực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tiếp tục đầu tư đồng bộ và có chiều sâu cho phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nhiệt điện, cơ khí... Đặc biệt, nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp Quảng Ninh không chỉ nằm ở vốn đầu tư, mà điều quan trọng nhất là muốn tạo được sự kích thích phát triển phải từ kết cấu hạ tầng đồng bộ. Theo đó, những tuyến đường giao thông động lực để kết nối Quảng Ninh nhanh nhất với trong nước và quốc tế cần sớm được tập trung đầu tư là Dự án cảng hàng không Vân Đồn; các tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái; cảng biển Hải Hà, đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân… Đây là một trong những nền tảng quan trọng đón các nhà đầu tư lớn với một chiến lược lâu dài.
Điều đáng nói không chỉ sản xuất công nghiệp luôn có sự tăng trưởng, nhất là giá trị sản xuất công nghiệp tăng dần qua năm (năm 2015 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2014, tăng bình quân 6,3%/năm trong giai đoạn 2010-2015) mà đó là cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch tích cực và đúng hướng. Trong đó, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2010 lên 43,4% năm 2015, còn công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống 50,6% năm 2015. |
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()