Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 14:32 (GMT +7)
Huyện Đầm Hà: Chuyển đổi số toàn diện nâng cao chất lượng cuộc sống
Thứ 6, 03/01/2025 | 17:23:03 [GMT +7] A A
Với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và toàn dân, huyện Đầm Hà đã và đang chú trọng tuyên truyền, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về tiện ích của chuyển đổi số.
Tân Lập là một xã ven biển của huyện Đầm Hà, người dân chủ yếu sống bằng nghề đi biển. Việc thực hiện chuyển đổi số là thách thức không nhỏ nhưng với quyết tâm, nỗ lực, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển đổi số đến với người dân bằng nhiều hình thức. Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của chuyển đổi số đến với người dân, thông qua nhiều hình thức như họp thôn, hệ thống loa truyền thanh; tổ chức tập huấn cho các tổ công nghệ số cộng đồng thôn; hỗ trợ người dân cài đặt và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh...
Qua hơn 2 năm triển khai, đến nay xã Tân Lập đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư; công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được UBND xã triển khai quyết liệt theo hướng cắt giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nhân dân, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử ngày càng tăng...
Chuyển đổi số đặc biệt đã phát huy tác dụng đối với các hộ kinh doanh tập thể, cá thể trên địa bàn huyện Đầm Hà. Nhờ có chuyển đổi số và sàn thương mại điện tử, người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận đều biết sản phẩm chả mực của HTX Thương mại và chế biến thực phẩm Khánh Đan (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà). 3 năm trở lại đây, mức độ tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp tăng khá cao khi sản phẩm được quảng bá trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, sản lượng đạt hàng chục tấn/tháng. Đầu ra là mối hàng tại các chợ truyền thống; bếp ăn công nghiệp trong doanh nghiệp, trường học, hệ thống cửa hàng tại nhiều huyện, thị xã trong tỉnh Quảng Ninh và hệ thống thương mại điện tử trong toàn quốc.
Chị Đồng Thị Dung, Giám đốc kinh doanh HTX Thương mại và chế biến thực phẩm Khánh Đan, cho biết: Khi doanh nghiệp của chúng tôi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội thì đã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, không chỉ khách hàng trong nước mà cả quốc tế, vì thế nguồn doanh thu đem về cho HTX ngày càng cao hơn.
Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn, huyện Đầm Hà đã tăng cường việc triển khai các kế hoạch truyền thông về chuyển đổi số từng năm theo hướng trọng tâm. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành 10/10 mục tiêu về chính quyền số. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã được niêm yết công khai, minh bạch tại Trung tâm Hành chính công huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại các xã, thị trấn. Trung tâm Hành chính công huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử; số hóa hồ sơ TTHC. Số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở cấp huyện tính đến ngày 12/11/2024 là 10.406/11.379 hồ sơ (đạt 91,45%); cấp xã là 15.363/15.442 hồ sơ (đạt 99,49%).
Để phục vụ triển khai thực hiện Chính quyền số, hiện nay Trung tâm Hành chính công của huyện đang thực hiện số hoá (scan) thành phần hồ sơ TTHC ngay từ bước tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ đã được số hoá trên môi trường mạng thông qua Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu một cửa điện tử.
Hiện huyện Đầm Hà đang "bắt tay" vào triển khai xây dựng các nhiệm vụ về chuyển đổi số toàn diện năm 2025 với các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai hoàn thiện dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID); số hóa kết quả giải quyết TTHC và toàn bộ văn bản chỉ đạo điều hành, quản lý, lưu trữ, hồ sơ của các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức, đoàn thể.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()