Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 13:22 (GMT +7)
Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Thứ 6, 04/11/2022 | 16:48:50 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu, công cụ đắc lực hỗ trợ công tác quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng giáo dục… Ngành GD&ĐT tỉnh đã xây dựng, thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảng dạy và học tập.
TP Hạ Long hiện có mạng lưới các cơ sở giáo dục lớn nhất tỉnh với 120 trường từ mầm non đến THPT, Trung tâm HN&GDTX tỉnh, Trung tâm GDNN&GDTX thành phố; trong đó có 21 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trên địa bàn thành phố còn có 164 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục, 49 trung tâm ngoại ngữ, 18 trung tâm kỹ năng sống, 33 trung tâm học tập cộng đồng. Về cơ bản, tất cả các cơ sở đang hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo cho người học trên địa bàn.
Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo phương châm chuyển từ dạy và học truyền thụ nội dung sang dạy và học phát triển năng lực người học, ngành GD&ĐT TP Hạ Long đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp với định hướng cụ thể, xuyên suốt và cách làm sáng tạo. Trong đó chú trọng ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học, sử dụng hiệu quả hệ thống phòng học thông minh; tăng cường hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; áp dụng phương thức Giáo dục STEM trong các bộ môn Khoa học, Toán, Công nghệ, Kỹ thuật…
Giai đoạn 2022-2025, ngành GD&ĐT thành phố đặt mục tiêu cụ thể trong công tác chuyển đổi số trên cơ sở kế thừa những cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã xây dựng được trong giai đoạn trước, đồng thời nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành mới nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của ngành. Đến nay, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thiết yếu như: Quản lý cán bộ giáo viên và học sinh, quản lý điểm, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử và phần mềm quản lý dạy học, quản lý các cơ sở giáo dục điện tử… đã được ứng dụng tương đối rộng rãi trong hệ thống giáo dục trên địa bàn.
Đến nay, toàn bộ các trường tiểu học, trung học đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Đến nay, thành phố có 833 phòng học tương tác, phòng học thông minh tại 38 trường phổ thông; triển khai dạy và học với sự hỗ trợ của các thiết bị giảng dạy hiện đại thông qua mạng LAN, internet, phần mềm trên các phòng học tương tác, phòng học thông minh…
Trưởng Phòng GD&ĐT TP Hạ Long Vi Bích Hạnh cho biết: Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ngành GD&ĐT tích cực triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập và tuyển sinh, hạn chế việc sử dụng giấy tờ; phát triển kết nối thông tin, nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập điện tử, xác thực điện tử, trường học điện tử, quản lý hồ sơ học vụ điện tử ở các cơ sở giáo dục và thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt; nâng cấp hệ thống CNTT cơ quan Phòng GD&ĐT thành phố… Qua đó cơ bản hoàn thành giai đoạn số hóa, thực hiện từng bước giai đoạn ứng dụng số hóa và tạo tiền đề quan trọng để chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện.
Ngành GD&ĐT tỉnh xác định chuyển đổi số tiến hành qua 3 giai đoạn: Số hóa - ứng dụng số hóa - chuyển đổi số. Đến nay, bước 1 số hóa đã cơ bản được ngành hoàn thành với việc cập nhật trực tuyến thông tin của hơn 22.000 cán bộ giáo viên, hơn 352.000 học sinh toàn tỉnh lên Cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT và Cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh; sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy ở tất cả các trường tiểu học, trung học toàn tỉnh; cơ bản hoàn thành số hoá tài liệu, sách giáo khoa… Toàn ngành đã đầu tư xây dựng hơn 1.400 phòng học tương tác, phòng học thông minh tại 89 trường học trong toàn tỉnh.
Trên cơ sở chỉ đạo của trung ương, của Bộ GD&ĐT, của tỉnh, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành với 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Ngành đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục với 50% học sinh, 100% giáo viên phổ thông đủ điều kiện tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến; tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trên 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học; đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu.
Định hướng đến năm 2030, tất cả các thành tố trong hệ thống giáo dục của tỉnh được đưa vào môi trường số và phục vụ mục tiêu cao nhất là đổi mới căn bản và toàn diện phương thức giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học của tất cả các bậc học trên địa bàn tỉnh…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()