Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 18:17 (GMT +7)
Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Tạo xung lực phát triển
Thứ 2, 23/08/2021 | 09:32:35 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng bán ra với giá cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Những mô hình tiên phong
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là xu hướng, mà còn là tính cấp thiết, buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thậm chí người nông dân phải tiếp cận để thích nghi. Tại Quảng Ninh, dù chỉ mới manh nha, nhưng chuyển đổi số trong lĩnh vực quan trọng này đang dần cho thấy nhiều tiềm năng, lợi thế.
Từ năm 2017, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà (huyện Đầm Hà), đầu tư hơn 15 tỷ đồng để xây dựng trang trại trồng rau thủy canh và dưa lưới trong nhà màng theo hướng nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao. Công ty dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển bằng thiết bị điện thoại thông minh. Với công nghệ này, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây; phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên dưa phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc.
Giám đốc công ty Nguyễn Hữu Nhượng cho biết: Các ứng dụng này hỗ trợ tích cực cho đội ngũ quản lý trang trại và người lao động tham gia sản xuất. Qua đó, thuận tiện trong theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp và giảm bớt sức lao động. Ứng dụng KHKT vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Hiện mỗi ha dưa cho năng suất khoảng 60-70 tấn/năm, doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
Hay như mới đây, TX Đông Triều đã kết nối với 3 sàn thương mại điện tử là Sendo, Voso, Cuccu và xây dựng trang thương mại điện tử dongtrieumart.vn để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm. Đây được coi là bước đi mạnh dạn cho mục tiêu ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực này.
Tại đây, người mua hàng có thể quét mã tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn, kích thước quả và giá cả. Do giảm các kênh trung gian, nên giá na bán trên các sàn thương mại điện tử ổn định từ 35.000-40.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Trường, hộ trồng na xã Việt Dân (TX Đông Triều), phấn khởi cho biết: Tham gia vào trang thương mại điện tử dongtrieumart.vn, chúng tôi được hướng dẫn, tập huấn xây dựng các gian hàng của từng hộ dân, đăng tải về chủng loại, số lượng, giá cả, cách thức liên hệ. Qua đó, giảm bớt các khâu trung gian, thuận tiện hơn, mở rộng được nhiều nguồn tiêu thụ, nên người dân chúng tôi rất phấn khởi, na bán cũng được giá hơn so với phương thức bán hàng truyền thống cho thương lái như trước kia.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã bắt đầu hiện diện ở một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là những tín hiệu khả quan, bước đầu khẳng định tiềm năng, hiệu quả của chuyển đổi số đối với lĩnh vực quan trọng này tại Quảng Ninh.
Đồng bộ giải pháp hỗ trợ, khích lệ
Nhận định rõ vai trò của chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch dài hơi cho từng ngành, lĩnh vực. Bắt nhịp kịp thời xu hướng này, cùng với sự chủ động từ phía người dân, doanh nghiệp, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho khu vực nông nghiệp, với mục tiêu đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản địa phương.
Mới đây, Sở TT&TT và Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng chương trình hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Quảng Ninh. Theo đó, 2 đơn vị phối hợp tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng cơ bản, năng lực thực hành giúp nông dân hiểu được vai trò và sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ kết nối nông dân với doanh nghiệp có nền tảng chuyển đổi để lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản…
Bên cạnh đó là việc giới thiệu và vận động nông dân ứng dụng các mô hình chuyển đổi số, nhằm cải thiện phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Hội Nông dân tỉnh sẽ thử nghiệm triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số" đến toàn hội viên trong tỉnh, nhằm khơi dậy tính chủ động của các thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số.
Còn ngành KH&CN cũng xây dựng các kế hoạch, giải pháp, nhằm khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng KH&CN nói chung và ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ IoT, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; phát huy hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đông Triều, Đầm Hà. Cùng với đó là đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi, để khuyến khích sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân.
Sở KH&CN cũng đưa ra mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất cùng các kỹ thuật canh tác nông nghiệp; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh như quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, thực hiện thương mại điện tử… và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()