Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:20 (GMT +7)
Chuyển đổi số y tế
Thứ 4, 24/04/2024 | 07:52:13 [GMT +7] A A
Công tác chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ và toàn diện trong ngành Y tế, giúp nâng cao an toàn người bệnh, cải tiến chất lượng và hiệu quả điều trị, tăng sự hài lòng của người bệnh.
Mỗi khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám bệnh tim định kỳ, ông Nguyễn Văn Tuyên (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) đều gọi điện thoại đặt lịch khám. Khi đến Bệnh viện, ông Tuyên chủ động vào phòng khám theo lịch hẹn. Ông Tuyên chia sẻ: "Gọi điện thoại đặt lịch khám qua tổng đài nên tôi không cần chờ đợi lấy số thứ tự, đặc biệt là chủ động về thời gian khám. Thanh toán viện phí, thuốc qua mạng nên rất thuận tiện, nhanh gọn".
Đặt lịch khám trực tuyến là một trong những quy trình chuyên môn được số hóa nhằm tạo thuận tiện cho người dân khi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhiều công nghệ số đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai mang lại lợi ích cho người dân trong khám, chữa bệnh, như: Bệnh án điện tử; các phần mềm quản lý, điều hành y tế (HIS/LIS/PACS); trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh; ứng dụng công nghệ y tế trong điều trị và chăm sóc người bệnh; khám chữa bệnh từ xa…
Với sự đầu tư của tỉnh, hạ tầng số tại 100% cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế toàn tỉnh bảo đảm cấu hình, kết nối, an toàn thông tin phục vụ chuyển đổi số. Tất cả các công việc điều hành, chỉ đạo và quản trị nội bộ từ tỉnh đến xã được xử lý trên môi trường mạng qua các hệ thống dùng chung của tỉnh; áp dụng chữ ký số trong suốt quá trình thực hiện, xử lý. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến nay 100% các bệnh viện trong tỉnh ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS/LIS/RIS-PACS) trong quản lý thông tin khám chữa bệnh, thanh quyết toán các chi phí khám chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Hiện có 7/21 đơn vị thực hiện bệnh án điện tử/bệnh viện không giấy tờ (các Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, Đa khoa Cẩm Phả; các TTYT huyện Hải Hà, huyện Tiên Yên, TP Móng Cái). Tất cả các đơn vị y tế của tỉnh đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; các giao dịch trong toàn ngành trên 70% là thanh toán trực tuyến.
100% các trạm y tế đã triển khai các phần mềm quản lý dự phòng, quản lý dữ liệu khám bệnh theo quy định. 231/231 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc quản lý của Sở Y tế đã triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp. Đồng thời khởi tạo, cập nhật dữ liệu ban đầu cho trên 1,38 triệu dân trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh.
Công tác khám, chữa bệnh từ xa thông qua các hệ thống Telehealth, Telemedicine tiếp tục phát huy hiệu quả. 18 đơn vị y tế của tỉnh đã kết nối với 11 đơn vị y tế tuyến trung ương, thường xuyên tiếp nhận giảng dạy, hội chẩn từ xa, hỗ trợ chuyên môn. Tháng 3/2024 Sở Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai thí điểm nền tảng hỗ trợ tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa Vtelehealth cho tuyến y tế cơ sở trong tỉnh. Vtelehealth là một trong hai nền tảng của Bộ Y tế thuộc Nền tảng số quốc gia được ưu tiên phát triển.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trịnh Văn Mạnh cho biết: Nền tảng Vtelehealth cho phép người dân có thể kết nối với cơ sở y tế, bác sĩ qua hình thức gọi thoại có hình (video call) 1:1 với bác sĩ, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân và các tính năng hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân qua ứng dụng di động… Đồng thời giúp ích nhiều cho y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã, trong việc kết nối, tư vấn, quản lý sức khỏe người dân, các đơn vị tuyến trên dễ dàng trong quản lý, điều hành. Thực hiện tốt nền tảng này góp phần liên thông dữ liệu giữa các đơn vị y tế, giúp chia sẻ thông tin, hội chẩn trực tuyến tốt hơn.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()