Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:33 (GMT +7)
Chuyển động ở lĩnh vực thủy sản
Thứ 4, 13/12/2023 | 16:11:38 [GMT +7] A A
Nhờ định hướng phù hợp và các giải pháp rõ trọng tâm, trọng điểm, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 của tỉnh ước đạt gần 177.000 tấn (nuôi trồng trên 103.000 tấn, khai thác trên 73.000 tấn), tăng 4,65% so với năm 2022, tăng 4,12% so với kế hoạch.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn, công tác quan trắc môi trường luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Trong năm 2023 Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) tổ chức 11 chuyến kiểm tra và thu mẫu phân tích tại 9 địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều.
Đã có tổng số 4.840 mẫu quan trắc được thực hiện, phân tích sâu các yếu tố, chỉ tiêu (nhiệt độ, độ mặn, pH, thực vật, phù du, tảo...) phục vụ nuôi các đối tượng chủ lực, đặc thù của tỉnh Quảng Ninh là tôm, nhuyễn thể, cá biển, cá nước ngọt. Kết quả quan trắc là căn cứ để Chi cục Thủy sản khuyến cáo các địa phương tăng cường quản lý, có biện pháp kịp thời khi có chỉ số vượt ngưỡng cần điều chỉnh... Người NTTS cũng chủ động hơn trong phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), trong năm 2023 công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản được 13/13 địa phương triển khai bài bản, bám sát theo kế hoạch của tỉnh. Chuyển biến rõ nhất là việc bố trí nhân lực, kinh phí cho hoạt động giám sát dịch bệnh thủy sản chủ động và dự trữ hóa chất trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời giữa các ngành, địa phương cơ sở có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn trong phản ánh kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh trong khu vực, giúp người dân chủ động trong công tác phòng chống dịch, hạn chế thiệt hại kinh tế cho người dân.
Nhờ đó từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích thủy sản bị nhiễm bệnh với tôm nuôi là 109,85ha, chiếm 1,4% tổng diện tích tôm nuôi, chỉ bằng 72,77% so với năm 2022, đảm bảo giới hạn mục tiêu kế hoạch giai đoạn đề ra là dưới 5%.
Một trong những trọng tâm của lĩnh vực thủy sản năm 2023 là xử lý tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên vùng biển của tỉnh. Toàn tỉnh đã triển khai 1 đợt cao điểm ra quân thực hiện nhiệm vụ này, được xem là động thái quyết liệt, nghiêm khắc của Quảng Ninh nhằm cùng các địa phương có biển trong nước gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt... gắn liền với tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nâng cao nhận thức cho các chủ phương tiện tàu cá, ngư dân về ý nghĩa, trách nhiệm trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống đánh bắt bất hợp pháp, không sử dụng điện, ngư cụ cấm... Từ đó kêu gọi sự nỗ lực, chung tay, góp sức thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác IUU của ngư dân.
Toàn tỉnh hiện có 5.900 tàu cá, trong đó 100% tàu có chiều dài từ 15m trở lên đều lắp đặt thiết bị giám sát theo quy định. Trong năm 2023 không ghi nhận bất kỳ tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ, xử lý.
Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh "Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh", đến nay tỉnh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong NTTS.
Ngành thủy sản tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định các vùng, vị trí nuôi đảm bảo an toàn, phù hợp với quy hoạch của huyện, của tỉnh để tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức giao cho người dân yên tâm sản xuất, NTTS, sử dụng vật liệu nổi hợp quy, đảm bảo môi trường nuôi an toàn. Điều này cho thấy nỗ lực chung của toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày10/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững NTTS trên biển tỉnh.
Chiều 30/11, Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam-Trung Quốc năm 2023 diễn ra tại TP Móng Cái. Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết thành công 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế về thúc đẩy XNK nông lâm thủy sản, thương mại, logistics, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là tiền đề góp phần nâng cao kim ngạch XNK hàng hóa qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) trong thời gian tới.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()