Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 22:21 (GMT +7)
Chuyên gia bàn cách kiểm soát lạm phát
Thứ 4, 01/06/2022 | 16:21:49 [GMT +7] A A
Hàng loạt hàng hóa tăng giá, nhất là mặt hàng thiết yếu, quan trọng của nền kinh tế như xăng dầu đã khiến nguy cơ lạm phát tăng cao. Tăng nguồn cung hàng hóa, giảm một số loại thuế để giảm giá đầu vào sản xuất là giải pháp được cho là cần ưu tiên hàng đầu.
Đề xuất tiếp tục giảm một số loại thuế
Năm tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 2,25%, khiến mục tiêu giữ mức lạm phát dưới 4% trong năm nay càng “mong manh”. Mặc dù lạm phát những tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, áp lực trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.
Thời gian tới, biến số đáng chú ý tác động đến lạm phát cần lưu tâm là: Kế hoạch dự kiến tăng lương tối thiểu vùng, chi phí sử dụng điện tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới (dù Bộ Công Thương cam kết không tăng giá điện), giá lương thực thực phẩm tăng vào cuối năm...
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 49,9% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm. Bình quân 5 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,2%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu tăng.
Ông Lâm phân tích, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng. Chi phí mua xăng dầu chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình. Xăng dầu được sử dụng trong hầu hết các ngành, lĩnh vực nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng. Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%.
TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhận định, từ giữa năm đến quý 3/2022 sẽ là thời điểm căng thẳng do lạm phát (bao gồm cả lạm phát chung của thế giới và tính lan tỏa của nó đến kinh tế Việt Nam).
Trong báo cáo kinh tế thường niên 2022 vừa được công bố, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần đặc biệt chú ý nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Tình trạng lạm phát hiện nay còn thấp ở trong nước là do một phần nhu cầu tiêu dùng thấp.
Các chuyên gia từ VEPR kiến nghị, Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là thời điểm cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng dầu, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Tăng cung hàng hóa
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, từ đầu năm đến nay, giá cả thế giới tăng nhanh đã tác động lên thị trường Việt Nam. Cùng với đó, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch đã kéo theo giá cả tăng, trong đó có giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao đã tác động lên lạm phát.
Để tạo điều kiện cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn, từ đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã giãn thu một số loại thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô lắp ráp trong nước), tiền thuê đất (khoảng 135.000 tỷ đồng). Thời gian giãn hoãn 3- 9 tháng/tùy theo loại thuế, tiền thuê đất. Đây được xem như khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho DN.
Theo ông Hưng, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, chính sách cần xử lý đồng thời 3 hướng: Giảm tác động của chi phí đẩy, thúc đẩy cung hàng hóa và làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()