Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:26 (GMT +7)
Chuyên gia: Bức tranh kinh tế Việt Nam 2022 sẽ đổi màu
Thứ 4, 05/01/2022 | 14:17:11 [GMT +7] A A
Kinh tế Việt Nam năm 2022 được kỳ vọng sẽ có nhiều điểm sáng, nhờ động lực từ những thành quả trong năm 2021 và gói hỗ trợ 35.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hoàn toàn có thể hy vọng vào một bức tranh sáng màu cho kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Nguyên nhân là đang có nhiều động lực được kỳ vọng sẽ trở thành "cú hích" tạo đà cho sự tăng trưởng trong năm tới, trong đó, đáng kể nhất là gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng sắp được thông qua.
Nông sản, giày da, may mặc tiếp tục bùng nổ
Năm 2021, Việt Nam thu hút hơn 31 tỷ USD vốn FDI và cũng là lần đầu tiên vượt 668,5 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%.
"Với hai điểm sáng ấn tượng như vậy nên tuy đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng khu vực kinh tế của Việt Nam vẫn thể hiện được tiềm năng và trở thành nơi thu hút đầu tư nước ngoài ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai", PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ với VTC News.
Bà Yến phân tích, dù tình hình dịch bệnh khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào khó khăn nhưng dưới sự điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp, người dân, kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Đầu tiên phải kể đến thành tựu xuất khẩu nông sản. Ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc, năm qua Việt Nam đã khai thác, mở rộng các thị trường khác như Nhật Bản, Australia, Mỹ, Pháp, Thái Lan…Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 48,6 tỉ USD, tăng 2,85 - 2,9%.
Trong khi đó, các lĩnh vực xuất khẩu khác như dệt may, da giày cũng tăng tốc. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách đạt hơn 17,5 tỷ USD, tăng 3,6%. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.
“Có được kết quả này là do chúng ta chuẩn bị trong thời gian dài để ký kết và triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (RCEP)...”, bà Yến chia sẻ.
Bà Yến nhận định, sang năm 2022, nếu đi đúng hướng, những ngành nghề trên tiếp tục là trọng điểm, góp phần thúc đầy kinh tế Việt Nam.
Cùng quan điểm với bà Yến, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, những thành tựu của năm 2021 chứng tỏ Việt Nam đã đi đúng hướng và cần giữ nhịp để tạo đà cho năm 2022.
350.000 tỷ đồng mở cánh cửa hồi phục
Sáng 4/1, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội bất thường thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Gói phục hồi kinh tế gồm hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng và một số khoản khác.
Theo PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, sau khi được thông qua, chính sách này sẽ đảm bảo quy mô đủ lớn để các doanh nghiệp Việt Nam có được nguồn lực hỗ trợ ngay từ năm 2022 - 2023. "Nguồn lực này sẽ giúp cho chúng ta tiến hành phục hồi kinh tế, không bị suy giảm động lực tăng trưởng và tiếp tục đạt được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2025. Các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ được Quốc hội thông qua sớm để mở toang cánh cửa phục hồi kinh tế trong năm 2022 và năm 2023 cũng như hoàn thành mọi mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025", bà Yến nói.
“Cùng với những dấu ấn trong năm 2021 cũng như tác động kịp thời của gói chính sách tài khóa và tiền tệ thì trong 2022 chúng ta sẽ có được sự đột phá để đưa chất lượng cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn này đi lên”, bà Yến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, gói cứu trợ mà Chính phủ triển khai sẽ giúp cho những doanh nghiệp đang khó khăn phục hồi lại trong khi giúp các doanh nghiệp mới tham gia nhập cuộc một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, ông Đinh Văn Thập, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty may Nhà Bè cho biết, ảnh hưởng của COVID-19 có thể kéo dài đến 2022, thậm chí là sang năm 2023. Chính vì vậy, các gói hỗ trợ như giãn, hoãn đóng thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh và dần phục hồi, phát triển, thích nghi với đại dịch.
“Vấn đề đặt ra hiện nay là chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trong hai năm 2022-2023 cần có trọng điểm, dẫn vốn vào khu vực cấp bách, cần thiết và có khả năng hấp thụ. Xây dựng chương trình quản lý rủi ro, phân bổ nguồn lực phải công khai minh bạch, tránh thất thoát. Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi cần lưu ý ba điểm mấu chốt để chương trình phát huy hiệu quả tốt nhất, đó là: Năng lực thực thi, kịp thời và đúng đối tượng”, ông Thập đề xuất.
Doanh nghiệp làm gì để tăng trưởng?
Đồng tình với dự đoán kinh tế Việt Nam 2022 có nhiều động lực để phát triển, song các chuyên gia đều cho rằng, để nắm bắt thành công cơ hội, vai trò quyết định chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động có chiến lược phát triển bền vững, dài hơi thay vì tự phát, manh mún như hiện nay.
Theo ông Lê Đăng Doanh, trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và kinh tế số, xác định kinh tế số chiếm 20% GDP tương đương khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025. Do vậy, các doanh nghiệp phải tích cực, khẩn trương đưa công nghệ số vào từng hoạt động của mình để khai thác có hiệu quả, lợi thế của khoa học công nghệ, thông tin cũng như quá trình chuyển đổi số.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, năm 2022, Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%. Để làm được điều này thì chúng ta phải phục hồi được các doanh nghiệp, vì chỉ có doanh nghiệp mới tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo ra của cải vật chất. Tuy nhiên, hiện nay, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, vì vậy họ còn dè dặt trong việc triển khai các kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là yêu cầu cấp bách.
“Kinh tế sẽ phục hồi tốt, tăng trưởng có thể đạt 6-6,5%, thậm chí có thể cao hơn nếu chúng ta triển khai tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang thiết kế và Quốc hội sẽ thông qua trong thời gian tới. Chúng tôi kỳ vọng những thay đổi về chiến lược phòng chống dịch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sẽ tạo đà phục hồi tích cực”, ông Doanh nói.
TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các hói hỗ trợ của Chính phủ mà phải "tự cứu" mình, khơi thông các nguồn lực, nắm bắt các chủ trương, chính sách và có kế hoạch cụ thể trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt phải chủ động và nỗ lực ứng dụng công nghệ số, kinh tế số, triển khai về khoa học công nghệ, sản xuất, kinh doanh theo đơn đặt hàng và phải được kết nối thị trường theo chuỗi. Nghĩa là phải sản xuất cái họ cần, đảm bảo chất lượng, mẫu mã chứ không phải cái ta làm ra. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đầu tư nhà xưởng, máy móc để bảo quản, chế biến sâu, chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để "giải vây" cho một số ngành. "Các mũi nhọn cần được quan tâm đầu tư trong năm 2021 là nông nghiệp, công nghệ chế biến, kinh doanh dịch vụ và du lịch”, TS Nguyễn Trọng Điều nói.
5 nhóm giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Chính phủ đề xuất chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.
Chi khoảng 53.000 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.
Chi khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Chi khoảng 114.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Cuối cùng, Chính phủ sẽ tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng để phục vụ một số nhiệm vụ khác.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()