Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:56 (GMT +7)
Chuyên gia nêu sai nghiêm trọng ở cuốn HĐTN, hướng nghiệp bộ Chân trời sáng tạo
Thứ 6, 06/01/2023 | 16:02:48 [GMT +7] A A
Trong cuốn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo, nhóm biên soạn "hiểu sai" về cơ quan quản lí và khái niệm ngành với nghề.
Năm học 2023-2024, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng đồng loạt tại các khối lớp 4, 8 và 11. Trong đó, việc định hướng nghề nghiệp với học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là rất quan trọng.
Tuy nhiên, tại bản 2 của cuốn sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ Chân trời sáng tạo lớp 11 của nhóm biên soạn do Đinh Thị Kim Thoa - Nguyễn Thị Bích Liên (đồng chủ biên) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho thấy đang có "sạn". Có ý kiến cho rằng, nhóm biên soạn cuốn sách trên đã định hướng sai về khái niệm ngành học với nghề, và nhầm lẫn trong việc "biến" các trường đào tạo ngành học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thành trường đào tạo nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cụ thể, ở mục Hoạt động 5 cuốn sách có nội dung về "Tìm hiểu về các trường đào tạo nghề liên quan đến việc học tập, hướng nghiệp của bản thân". Tại mục này, nhóm biên soạn yêu cầu người học xác định các trường đào tạo nghề liên quan đến việc học tập hướng nghiệp của bản thân.
Nhóm biên soạn đã lấy ví dụ về các trường đào tạo 2 nhóm nghề gồm nghề xây dựng và nghề báo chí.
Cụ thể, với nhóm nghề xây dựng, cuốn sách liệt kê các trường đào tạo nghề này là: Trường trung cấp xây dựng; Trường cao đẳng xây dựng và Trường đại học xây dựng. Nhóm biên soạn đã định hướng học tập nhóm nghề này với các môn khoa học tự nhiên là Hóa học và Vật lí.
Đối với nhóm nghề báo chí, các đơn vị đào tạo nghề này được cuốn sách liệt kê gồm: Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình; Trường đại học Khoa học và Xã hội - Nhân văn; Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Định hướng học tập nhóm nghề này, đòi hỏi người học nhóm môn học xã hội như giáo dục kinh tế và pháp luật; Địa lí.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương - cán bộ nghiên cứu Viện khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, trong việc tư vấn về hướng nghiệp, chọn nghề và phát triển sự nghiệp, những người biên soạn sách giáo khoa luôn cần phân biệt cho học sinh 3 khái niệm có liên quan nhưng lại rất khác nhau, đó là: ngành học/ngành đào tạo - nghề làm việc và ngành/lĩnh vực kinh tế.
Theo đó, đối với danh mục ngành đào tạo đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 01/2017/QĐ-TTg về danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân với các Mã ngành cấp I, II và III.
Trên cơ sở Quyết định này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Thông tư 26/2020/TT-BLĐTBXH Ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT Quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học (mã ngành cấp IV).
Đánh giá về nội dung biên soạn bản 2 cuốn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, nhóm biên soạn đã đánh đồng trường đào tạo nghề với trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Điều này không đúng với quy định pháp lí hiện nay.
Cụ thể, các trường đào tạo nghề hiện nay thuộc quản lý Nhà nước của Tổng cục Giáo dục - Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Đơn vị này cũng từng khẳng định Bộ Giáo dục không đào tạo nghề.
"Việc đưa các trường đại học, học viện là những đơn vị đào tạo theo ngành, vào trường đào tạo nghề là sai về cách hiểu, bên cạnh đó là sự nhầm lẫn về cơ quan quản lý nhà nước.
Nhóm biên soạn đã không hiểu được khái niệm về đào tạo nghề với đào tạo đại học, và phân loại về hệ thống giáo dục đào tạo", Tiến sĩ Phương chia sẻ.
Bên cạnh sự "nhầm lẫn" trên, Tiến sĩ Phương cũng cho rằng, nhóm biên soạn còn hiểu sai giữa nghề với ngành đào tạo, đây là sai lầm lớn.
"Nếu người học muốn vào học trung cấp, cao đẳng, chỉ cần có nguyện vọng, còn với hệ đại học được đào tạo theo ngành đòi hỏi người học phải có kiến thức khác với trung cấp, cao đẳng. Với nội dung như trong sách là giống như vơ đũa cả nắm", Tiến sĩ Phương đánh giá.
Về nội dung "Định hướng học tập", Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, nhóm biên soạn cũng nêu chưa đầy đủ các môn học để người học có thể vào được các trường.
Ví như, nếu người học chọn khối ngành xây dựng, nhóm biên soạn đã định hướng người học với các môn thuộc Nhóm khoa học tự nhiên như Vật lí, Hóa học, tuy nhiên với khối ngành này đòi hỏi cả những môn khác nữa ví như Toán học lại không có. Hay như với ngành báo chí, nếu người học chỉ học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, với môn Địa lí cũng là chưa đủ. Việc định hướng học tập của nhóm biên soạn chưa có sự logic.
"Hội đồng thẩm định cuốn hướng nghiệp, trải nghiệm thông qua tài liệu như vậy là không có ý niệm gì về hướng nghiệp, nội dung đã sai về bản chất và cách làm.
Nội dung làm như này quá đơn giản và không đúng bản chất định hướng cho học sinh. Người học sẽ rất mơ hồ, bởi vì sẽ không chọn đúng được hướng đi cho mình không đúng với sở trường năng lực.
Việc đánh đồng giữa giáo dục đại học với giáo dục nghề nghiệp cũng khiến học sinh mơ hồ. Bởi yêu cầu giữa người học trung cấp với cao đẳng, đại học sẽ rất khác nhau, đáng lẽ học sinh phải được giới thiệu cẩn thận để từ đó người học sẽ biết năng lực của bản thân, nhằm chọn đúng trình độ đào tạo", Tiến sĩ Phương nói.
Chia sẻ về những "hạt sạn" trong cuốn trải nghiệm, hướng nghiệp từng xảy ra nhiều lần, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, tác giả biên tập sách cần hiểu những vấn đề có liên quan, bởi vì đây hoạt động lồng ghép vào các môn học.
Nếu Hội đồng thẩm định thông qua tài liệu một cách sơ sài sẽ thiếu chính xác. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều, đến hiệu quả của hoạt động hướng nghiệp theo khung chương trình. Như vậy sẽ lãng phí sức lực, thời gian của người học cũng như người dạy.
"Theo tôi, đối với nội dung hướng nghiệp có sự sai sót trên cần được biên soạn lại, mới đạt được mục đích như mong muốn", Tiến sĩ Phương nói.
Theo giaoduc.net.vn
Liên kết website
Ý kiến ()