Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:39 (GMT +7)
Chuyên nghiệp hóa các CLB văn hóa, thể thao ở miền Đông
Thứ 7, 31/12/2022 | 14:29:14 [GMT +7] A A
Các hoạt động văn hóa, thể thao ở các huyện miền Đông của tỉnh trước đây chủ yếu mang tính tự phát, nay đã được tổ chức bài bản hơn, ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Với các chủ trương, nghị quyết của tỉnh, địa phương về việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, các thôn xã ở các huyện miền Đông của tỉnh đã hình thành các CLB văn hóa, thể thao với xu hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn, để phục vụ nhu cầu nhân dân.
Ở huyện Ba Chẽ có CLB Thêu thổ cẩm Dao Sán Chay ở xã Thanh Sơn, CLB Thêu thổ cẩm Dao Thanh Phán ở xã Đồn Đạc và CLB Thêu thổ cẩm Dao Thanh Y ở xã Nam Sơn. Trước đây, các CLB này chỉ chú trọng may những bộ quần áo cho chị em trong xã, nhưng nay tư tưởng chị em đã đổi mới.
Để các CLB tồn tại và phát triển thì “có cầu mới có cung”. Ba Chẽ có tới 41% là dân tộc Dao, nếu như khoảng chục năm trước đây, chỉ người Dao tuổi trung niên trở lên mới thường xuyên mặc các bộ quần áo thổ cẩm đặc trưng của dân tộc mình, thì hiện nay nhiều người trẻ tuổi đã ưa thích hơn trong sử dụng các trang phục truyền thống.
Các đơn vị chức năng của huyện Ba Chẽ đã mở nhiều đợt tuyên truyền người dân phát huy giá trị bản sắc dân tộc, trong đó có việc thường xuyên mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, kể cả trong sinh hoạt hàng ngày. Các trường học có đông học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, các giáo viên cũng vận động, khuyến khích các em mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình khi đến trường. Những năm gần đây, huyện Ba Chẽ đã rất chú trọng tổ chức lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong lễ hội, bà con đều xúng xính trong những bộ quần áo mang bản sắc dân tộc mình. Ngoài các lễ hội, dịp tết, những ngày cưới hỏi, lễ cấp sắc, những buổi sinh hoạt văn nghệ thôn khu, bà con cũng rất tích cực mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Bà Bàn Thị Bích, 67 tuổi, là thành viên của CLB Thêu thổ cẩm Dao Sán Chay ở xã Nam Sơn, cho biết: “Nghề thêu đã có từ rất lâu trong cộng đồng người Dao chúng tôi, do thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau. Trước đây, tất cả phụ nữ Dao đều phải biết thêu. Cuộc sống ngày nay phát triển khiến con người ngày càng bận rộn, trong khi để thêu một bộ quần áo truyền thống rất mất thời gian, như thế phụ nữ không biết thêu có thể mua hoặc đặt người khác làm cho mình bộ quần áo thổ cẩm. Tôi nghĩ như thế sẽ phù hợp hơn với cuộc sống hiện nay, người nào việc nấy và những người phụ nữ biết nghề thêu như chúng tôi mới có điều kiện để phát triển nghề vì có thu nhập”.
Đến các Lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn) hay Hải Lạng (Tiên Yên), chúng tôi rất ấn tượng với những người có “bàn chân sắt”, bởi chân của họ có thể giẫm lên lưỡi dao sắc mà không bị đứt da và đi trên than hồng mà không bị bỏng. Như thế nếu không được đào tạo và rèn luyện chắc chẳng ai dại mà giẫm lên các lưỡi dao hay than hồng vì chắc chắn sẽ bị thương.
Ông Lưu Gia Hòa, người thôn Đồng Đá, xã Bình Dân, là người chỉ huy đội ngũ các thầy leo dao, đi trên than trong lễ hội với thâm niên 40 năm gắn bó với nghề này. Ông Hòa đã có mặt ở hầu khắp các vùng miền có người Sán Dìu sinh sống trong cả nước để giao lưu và làm lễ. Đến nay, ông đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nên ông chuyển sang vị trí chỉ huy, còn việc leo dao dành cho lớp trẻ. Theo ông Hòa, người leo dao ngoài có sức khỏe, khéo léo hoạt bát, còn phải biết làm cho cơ thể mình nhẹ nhàng, vì nếu cơ thể quá nặng, trọng lượng dồn xuống lưỡi dao rất nguy hiểm, hoặc nặng quá làm đứt dây, vì các sợi dây buộc giữa dao và thân chiếc thang chỉ là những sợi lạt thô sơ. Ông Hòa khẳng định, muốn thành công thì phải học, mà chẳng có ngôi trường nào trên đời dạy nghề này cả, đây cũng là bí mật truyền lại cho nhau.
Ở miền Đông còn có các CLB Bóng đá nữ Sán Chỉ, hay các CLB hát Then, hát Soóng cọ... tại nhiều xã của các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ v.v.. Để hoạt động hiệu quả, họ cũng được các cán bộ của Phòng VH-TT huyện hướng dẫn về nhiều mặt và tự học hỏi lẫn nhau, hoặc cử thành viên đi các tỉnh khác học hỏi rồi về truyền dạy lại. Ngoài hoạt động ở địa phương, họ còn tham gia hoạt động ở nhiều địa phương khác trong tỉnh và ra cả tỉnh ngoài để ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()