Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:35 (GMT +7)
Chuyện ở những miền quê đáng sống
Thứ 2, 02/01/2023 | 13:36:53 [GMT +7] A A
Người dân nông thôn Quảng Ninh ngày càng thêm yêu thương, gắn bó với mảnh đất quê hương. Đối với họ, mỗi một mảnh vườn, thửa ruộng là niềm tự hào, hạnh phúc, miền quê đáng sống, "đất đã hóa tâm hồn ngay khi ta ở".
Trở thành tỷ phú trên đồng đất quê hương
Khát khao vượt ra khỏi lũy tre làng để sinh nhai làm giàu, nhưng sau hàng chục năm bôn ba khắp tỉnh, thành trong nước với đủ mọi nghề, ông Đồng Quang Cường lại quay trở về quê hương xã Cẩm La (TX Quảng Yên) để phát triển nghề chăn nuôi gia cầm. Năm 2016, khi chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Quảng Yên đang được chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh, gia đình ông được tiếp sức vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, sau nhiều năm gắn bó với mô hình nuôi vịt thương phẩm, gia đình ông đã có một gia tài là trang trại chăn nuôi 4ha với hệ thống chuồng nuôi, lò ấp tự động, áp dụng khoa học công nghệ.
Trang trại của gia đình ông hiện duy trì quy mô nuôi hơn 1,6 vạn con vịt các loại, trong đó có khoảng 6.000 con vịt đẻ, hằng tháng cung cấp ra thị trường khoảng 12 vạn quả trứng và 24.000 con vịt giống. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về khoảng 1 tỷ đồng. Cuối năm 2021, vợ chồng xây xong ngôi nhà mới khang trang trị giá hơn 5 tỷ đồng. Ông Cường phấn khởi chia sẻ: "Nhiều năm nay, kinh tế gia đình ngày càng đi lên, vợ chồng tôi có điều kiện xây lại ngôi nhà to đẹp hơn, trang sắm đầy đủ tiện nghi, chẳng kém gì nhà phố thị…".
Những tỷ phú nông dân của tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều. Họ lựa chọn mảnh đất quê hương để khởi nghiệp, làm giàu, trở thành những tấm gương sáng lan tỏa phong trào vượt khó, thoát nghèo, làm giàu ở các xã, thôn, bản. Anh Đàm Văn Triệu (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) cũng là một trong nhiều nông dân trẻ như thế. Sinh ra ở một vùng đất còn nhiều khó khăn, chàng thanh niên dân tộc Sán Chỉ luôn ấp ủ trong đầu ý tưởng, quyết tâm làm giàu từ những gì vốn có của mảnh đất quê hương. Mô hình nuôi gà dưới tán trà hoa vàng được hình thành từ cách nghĩ sáng tạo, dám làm của anh. Từ mô hình này, gia đình anh trở thành hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Anh Triệu cho biết: “Tôi nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Ba Chẽ rất phù hợp với phát triển chăn nuôi. Đầu năm 2019, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại, nhập gà giống về nuôi, đồng thời tiếp tục tìm hiểu, học thêm cách thức chăn nuôi mới để đảm bảo đàn gà phát triển khỏe mạnh”.
Anh bắt đầu với đàn gà giống 1.000 con. Để mô hình đạt hiệu quả cao, anh Triệu đã dày công tìm hiểu về giống gà và kỹ thuật chăn nuôi để đàn gà được khỏe mạnh. Sau khi nuôi được 3 tháng, anh chuyển sang cho gà ăn ngô địa phương trộn với cây chuối rừng thái nhỏ và chăn thả đàn gà tự nhiên trên đồi. Nhờ cần cù, chịu khó, có kiến thức, đàn gà sinh trưởng tốt, không bị dịch bệnh.
Mỗi lứa gà nuôi khoảng 7 tháng là có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 1,5-2kg/con. Sản phẩm gà nuôi của anh có thương hiệu, thịt chắc, ngọt, giá bán 150.000 đồng/kg, mỗi lứa gia đình anh thu lãi từ 30-40 triệu đồng. Đến nay, mỗi năm gia đình duy trì phát triển mô hình này với quy mô 3 lứa/năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Triệu chia sẻ thêm: Nuôi gà dưới tán trà hoa vàng rất hiệu quả. Cây làm bóng mát cho gà, gà nhặt cỏ, bắt sâu cho cây, thải phân bón cho cây sinh trưởng tốt hơn. Từ khi thực hiện phương pháp này, anh bớt hẳn công thuê lao động nhặt cỏ và chăm bón cây. Gà nuôi chất lượng thịt ngon hơn. Mỗi dịp gần Tết, các lái buôn, người tiêu dùng đặt trước khá nhiều, nhiều năm không đủ để bán. Thấy mô hình của anh hiệu quả, nhiều bà con trong xã chủ động gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng làm theo. Nhiều hộ cũng đã thoát nghèo bền vững từ mô hình nuôi gà dưới tán trà hoa vàng như gia đình anh.
Từ những nông dân triệu phú, tỷ phú như anh Triệu, ông Cường đã từng ngày làm cho đời sống nông thôn Quảng Ninh giàu có, trù phú hơn. Chính họ đã và đang cày xới, vun đắp, tạo dựng nên những cánh đồng rau quả tốt tươi, trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Làng quê tươi đẹp, văn minh
Những ngày cuối tháng 12/2022, không khí rộn ràng khắp những con đường, ngõ xóm ở xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), người dân đang vào mùa khai thác rừng keo tai tượng trồng. Niềm vui tiếp nối niềm vui, trong năm 2022, đời sống người dân nơi vùng sâu, vùng xa này ngày càng thêm khấm khá nhờ những mô hình kinh tế được phát triển. Không còn đất hoang, đồi trọc, không còn ruộng vườn kém hiệu quả, Quảng Lâm hôm nay đã “thay da đổi thịt” với những vạt rừng tươi tốt được phủ xanh bởi các loại cây trồng có giá trị cao, chủ yếu là keo và quế. Bao quanh những nếp nhà khang trang, vững chãi là những vựa lúa, khoai lang cho năng suất cao, được chia đều bởi những tuyến đường NTM rộng rãi, chạy dài, kết nối thông suốt... tạo nên khung cảnh tươi đẹp, đầy sức sống của một vùng quê thanh bình, trù phú.
Chặng đường hơn 10 năm xây dựng NTM với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết và đồng thuận của người dân, đã giúp Quảng Lâm bứt phá vươn lên, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Sau khi về đích xây dựng NTM vào năm 2020, xã đang tiếp tục hướng tới các tiêu chí của NTM nâng cao, từng bước hiện thực hóa giấc mơ trở thành một miền quê đáng sống bằng những công trình nhà văn hóa, trường học, nước sinh hoạt, tưới tiêu, điện lưới, trung tâm học tập cộng đồng... được đầu tư đạt chuẩn. Các phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao, bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc trên địa bàn được quan tâm giữ gìn, phát huy...
Ông Hoàng Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm, cho biết: Thành quả này có được nhờ xã luôn chú trọng tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, thói quen, cách làm cũ của người dân. Đồng thời tích cực phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tranh thủ tiếng nói của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Không phải đợi có việc, có tổ chức hội nghị họp dân thì xã mới tuyên truyền, vận động, nhiệm vụ này được thực hiện thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc, ngay cả khi gặp người dân trên đường đi rừng, làm ruộng, lúc đến thăm từng hộ; cán bộ xã, thôn tranh thủ tuyên truyền, trò chuyện, tâm sự để giúp người dân hiểu những việc cần làm, cần thay đổi. Thay đổi phương thức nuôi trồng, điều chỉnh thói quen vệ sinh nhà cửa... xã đều có hình thức biểu dương kịp thời những gia đình, cá nhân tiêu biểu để nhân rộng khí thế thi đua.
Trong không khí phấn khởi hoàn thành mục tiêu về đích huyện NTM, bà Vũ Thị Tươi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Mô (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) vui mừng giới thiệu với chúng tôi những thành tựu mà thôn đã làm được nhờ “Ý Đảng - lòng dân” đoàn kết. Đó là tuyến đường giao thông nội thôn dài hơn 1km, có 25 hộ dân hiến gần 5.000m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công thực hiện. Đó là tuyến mương Khe Hoặc dài gần 400m, phục vụ tưới tiêu cho 7,2ha đất sản xuất nông nghiệp; có 2 hộ hiến gần 300m2 đất ruộng để hoàn thành...
Vẫn là những mô hình nuôi gà, chăn trâu, trồng rừng, cây dược liệu... nhưng với kỹ thuật canh tác mới đã mang hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cách làm cũ, giúp đời sống người dân ngày càng ấm no. Theo tiêu chí mới, toàn thôn không còn hộ nghèo, chỉ còn 2 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân hiện đạt 55 triệu đồng/người/năm. Có điện lưới, sóng di động, internet bao phủ 24/24h, bà con thuận tiện tiếp cận các dịch vụ, tiện ích chuyển đổi số, hình thành nên những công dân số, thôn thông minh..., rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng miền.
Câu chuyện của Quảng Lâm, Đồn Đạc chỉ là những lát cắt nhỏ, nhưng đã phần nào cho thấy những nỗ lực tuyệt vời của tỉnh, các địa phương trong xây dựng NTM những năm qua. Chính những nông dân đã phát huy ngày càng mạnh mẽ vai trò chủ thể quan trọng của mình, chung tay tạo dựng nên những miền quê đáng sống. Để từ đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân được cải thiện, khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước ngày càng nâng lên.
Tính đến cuối năm 2022 này, Quảng Ninh có 98/98 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM, 13/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh trở thành tỉnh NTM. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn khoảng 61 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,06%; đặc biệt có 4/13 địa phương (Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Cô Tô) không còn hộ nghèo. Người dân Quảng Ninh đang được hưởng điều kiện sống tốt hơn: 100% xã khu vực nông thôn có đường bê tông khang trang, sạch đẹp, thuận lợi cho đi lại, giao thương, phát triển sản xuất; 99,89% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số hộ dân được sử dụng điện trong sinh hoạt; gần 99% số thôn, bản có nhà văn hóa… |
Nguyên Ngọc - Vân Anh - Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()